Sau chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bằng việc cử nhiều quan chức cấp cao tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã tỏ ra lạnh nhạt với các nỗ lực này.
Trống đánh xuôi
Theo Reuters ngày 31-7, ông Isao Iijima, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiết lộ rằng ông đã bí mật thăm Bắc Kinh từ ngày 13 đến 16-7 để tìm cơ hội tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước nhằm giảm căng thẳng. Ông Iijima cho rằng ông cảm nhận cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Trung sẽ không còn xa sau khi ông cùng các quan chức cấp cao Nhật Bản hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn Jiji của Nhật Bản, trong chuyến thăm Philippines tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông đã chỉ đạo các nhà ngoại giao Nhật Bản đẩy mạnh các cuộc đối thoại chính trị và kinh tế với Trung Quốc để cải thiện quan hệ hai nước.
Cũng nằm trong nỗ lực này, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki ngày 29 và 30-7 thăm Trung Quốc hội đàm với người đồng cấp Lưu Chấn Dân. Đây là cuộc gặp đầu tiên cấp thứ trưởng giữa hai nước kể từ tháng 10-2012. Ông Saiki cũng bày tỏ lạc quan về khả năng có cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Nhật trong tương lai gần. Nhiều nguồn tin khác từ Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể diễn ra trước khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 9 hoặc APEC trong tháng 10.
Kèn thổi ngược
Sau phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhận Bản, Tân Hoa xã và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bác bỏ về khả năng có một cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai gần giữa hai nước. Trung Quốc kêu gọi Tokyo phải có hành động thực tế để hàn gắn mối quan hệ vốn căng thẳng kể từ tháng 9-2012 sau hàng loạt các động thái của hai bên tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã bác bỏ nhận xét lạc quan của ông Iijima và cho biết ông Iijima được cấp thị thực đến Trung Quốc nhưng không có các hoạt động nào cấp chính phủ; các quan chức Trung Quốc cũng không có cuộc tiếp xúc nào với ông ta. Báo chí Trung Quốc nhân dịp này cũng chỉ trích phát biểu của Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso kêu gọi sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản cho phép sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Báo chí Trung Quốc cũng chỉ trích việc ông Aso ủng hộ các chuyến thăm đền Yasukuni.
Bắc Kinh cũng đã kêu gọi hoãn Diễn đàn lần thứ 9 Bắc Kinh - Tokyo dự kiến diễn ra vào ngày 12-8 tại Bắc Kinh. Diễn đàn đã được báo China Daily phối hợp với Cơ quan nghiên cứu Genron NPO của Nhật Bản tổ chức từ năm 2005 luân phiên ở 2 nước.
Trong một nghị quyết được toàn thể các nghị sĩ thông qua ngày 29-7, Thượng viện Mỹ đã lên án mọi hành động cưỡng bức và đe dọa do các lực lượng trên biển tiến hành tại vùng biển Đông và biển Hoa Đông. Nghị quyết mang số hiệu S. RES. 167, sau khi nêu bật các diễn biến đáng quan ngại tại hai vùng biển Đông và biển Hoa Đông, đã đưa ra 7 “quyết nghị” mà đầu tiên hết chính lời tố cáo không chút mập mờ các hành động: “Sử dụng các biện pháp cưỡng chế, đe dọa hay vũ lực do các lực lượng hải quân, an ninh trên biển, tàu đánh cá, phi cơ quân sự hay dân sự tiến hành trên vùng biển Đông và biển Hoa Đông, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải hoặc thay đổi nguyên trạng hiện nay. Nghị quyết cũng kêu gọi các bên tranh chấp biển đảo trong khu vực nên cố gắng tự kiềm chế, tránh các hành động có nguy cơ làm căng thẳng leo thang, trong đó có các hành vi “đưa người đến cư ngụ tại những hòn đảo lớn nhỏ, bãi cạn, bãi ngầm hay các thực thể địa dư khác”.
KHÁNH MINH tổng hợp