Nhật Bản thiệt hại nặng bởi bão Phanfone

Ngày 6-10, cơn bão mạnh có tên Phanfone đã tiến vào thủ đô Tokyo, Nhật Bản sau khi đổ bộ vào miền Trung nước này với sức gió lên tới 180km/giờ. Đã có ít nhất 1 người chết, 3 người mất tích và 50 người bị thương chỉ sau vài giờ đầu tiên bão đổ bộ vào đất liền.
Nhật Bản thiệt hại nặng bởi bão Phanfone

Ngày 6-10, cơn bão mạnh có tên Phanfone đã tiến vào thủ đô Tokyo, Nhật Bản sau khi đổ bộ vào miền Trung nước này với sức gió lên tới 180km/giờ. Đã có ít nhất 1 người chết, 3 người mất tích và 50 người bị thương chỉ sau vài giờ đầu tiên bão đổ bộ vào đất liền.

Người dân chạy tránh bão Phanfone.

Hàng chục ngàn người sơ tán

Nạn nhân thiệt mạng là 1 trong 3 quân nhân người Mỹ đang đồn trú tại căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Okinawa bị sóng lớn cuốn đi. Ba người mất tích gồm 2 quân nhân Mỹ và một sinh viên ở quận Kanagawa, phía Nam thủ đô Tokyo. Sinh viên này bị sóng cuốn trôi khi đang lướt ván.

Vào 11 giờ sáng (giờ Nhật Bản, tức 9 giờ giờ Việt Nam), bão Phanfone ở gần khu vực Yokohama ngay phía Nam Tokyo, trước đó đã gây gió mạnh và mưa xối xả ở thủ đô Nhật Bản trong giờ cao điểm, làm giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng. Tại TP Shizuoka thuộc quận cùng tên, Cơ quan khí tượng Nhật Bản đo được lượng mưa kỷ lục 84,5mm; con số này tại TP Owase của quận Mie lân cận là 74,5mm.

Theo Kyodo, khoảng 667.000 người dân Shizuoka đã được khuyến cáo sơ tán tránh bão. Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết hơn 50.000 người dân quận này được yêu cầu di tản và gần 1,7 triệu người khác cần tìm nơi trú ẩn. Bên cạnh đó, bão Phanfone khiến 600 chuyến bay bị hoãn, hoạt động của tuyến tàu cao tốc Tokaido Shinkansen và dịch vụ đường sắt công cộng tạm ngưng hoạt động một phần. Nhiều trường học đã phải đóng cửa. Ít nhất 21.000 hộ gia đình hiện phải sống trong cảnh mất điện. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo cơn bão Phanfone còn có thể dẫn tới lở đất, lũ lụt, mưa to trên diện rộng và tạo ra nhiều đợt sóng lớn trên biển, trước khi rời khỏi bờ biển phía Bắc Nhật Bản ven Thái Bình Dương vào chiều tối cùng ngày.

Nỗi lo Fukushima

Trước sự nguy hiểm của bão Phanfone, nhà chức trách Nhật Bản cũng phải ngừng công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ núi lửa Ontake phun trào hôm 27-9 vừa qua. Mưa lớn cộng với lượng tro bụi dày đặc chồng chất từ miệng núi cao 3.067m này có thể gây nguy cơ lở đất. Chính quyền tại Kiso và Otaki ở dưới chân ngọn núi đã đưa ra cảnh báo tới người dân trong khu vực.

Trong khi đó, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã tạm ngừng các hoạt động tái thiết nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 do lo ngại mưa lớn. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima là một trong những nỗi lo của Chính phủ Nhật Bản trong trận bão Phanfone. Sóng lớn là mối đe dọa đến Fukushima đang trong quá trình tái thiết sau khi bị tàn phá bởi trận động đất gây sóng thần vào năm 2011. Tuy nhiên, các chuyên gia của TEPCO đã trấn an dư luận rằng hiện chỉ có sóng thần cao 26m mới có khả năng nhấn chìm Fukushima và gây rò rỉ phóng xạ. Theo TEPCO, sóng thần như trên mới có khả năng gây lụt lớn và khiến nước biển trộn lẫn với nước có chứa phóng xạ tích tụ trong các tầng hầm của lò phản ứng hạt nhân. Khi đó, 100.000 tỷ becquerel chất phóng xạ cesium sẽ thoát ra ngoài, đe dọa cuộc sống người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, phải từ 10.000 - 100.000 năm mới xuất hiện một siêu sóng thần như vậy.

Sau trận động đất gây ra sóng thần cao 15,5m vào năm 2011, các cơ sở hạt nhân tại Nhật Bản đều được tăng cường khả năng chống chọi với động đất, sóng thần lớn và chịu các điều kiện giám sát khắt khe hơn. Vì vậy, ngày 10-9 vừa qua, Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã cho phép nhà máy điện hạt nhân Sendai của Công ty điện lực Kyushu ở Tây Nam Nhật Bản hoạt động trở lại. Vấn đề nối lại hoạt động của nhà máy điện hạt nhân trên cần sự nhất trí của chính quyền địa phương song đã gây ra phản ứng trong dư luận Nhật Bản. Theo một số nhà quan sát, việc núi lửa Ontake phun trào vừa qua làm hơn 30 người chết có thể là yếu tố củng cố thêm quyết tâm chống tái khởi động điện hạt nhân ở Nhật Bản do quan ngại về thiên tai có thể ảnh hưởng đến các nhà máy điện hạt nhân.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục