Đầu tư vào công nghệ từng giúp Nhật Bản từ đống to tràn chiến tranh vươn lên thành cường quốc. Thế nhưng, chính phủ do đảng Dân chủ Nhật Bản lãnh đạo trong những năm 2011-2012 lên kế hoạch cắt giảm mạnh đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong tổng số ngân sách dự tính cắt giảm là 33,5 tỷ USD. Quyết định đó bị nhiều nhà khoa học Nhật Bản phản đối.
Lên cầm quyền từ tháng 12-2012 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, chính phủ Nhật Bản do đảng Dân chủ Tự do lãnh đạo đã thay đổi hoàn toàn, xem việc đầu tư vào khoa học và công nghệ là một trong những cách đưa kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát, trở lại quỹ đạo phát triển từng có trong lịch sử.
Lần này, số tiền chi cho khoa học và công nghệ trong tổng số 116 tỷ USD gói kích thích kinh tế chiếm một tỷ trọng đáng kể. Nghiên cứu về năng lượng tái tạo và tế bào gốc là 2 lĩnh vực được chú trọng nhất.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết bên cạnh khoản chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng để khắc phục hậu quả trận động đất gây sóng thần năm 2011, Nhật Bản nhắm đến tăng trưởng ổn định bằng cách cải thiện khả năng cạnh tranh sản xuất thông qua đổi mới công nghệ. Nhật Bản đã đề ra các bước khuyến khích đầu tư tư nhân vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó là tăng thêm chi tiêu cho việc nghiên cứu tế bào gốc và tài trợ các trường đại học nghiên cứu công nghệ mới.
Cụ thể, gói kích thích kinh tế của chính phủ Nhật Bản bao gồm 11 tỷ USD cho khoa học và công nghệ. Kết hợp với chi tiêu đã lên kế hoạch, tổng số tiền hỗ trợ cho khoa học trong năm tài chính đến tháng 3-2014 sẽ đạt mức 57 tỷ USD, một kỷ lục mới. Phần lớn kinh phí mới sẽ đi vào nghiên cứu ứng dụng. Riêng việc thúc đẩy liên kết nghiên cứu giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp chiếm 2 tỷ USD.
Kazuhito Hashimoto, nhà hóa học vật lý tại Đại học Tokyo, cho rằng: “Mặc dù Nhật Bản có ưu thế trong nghiên cứu cơ bản và kinh phí cho lĩnh vực này ngày càng gia tăng, tuy nhiên mối liên kết giữa các trường đại học với các ngành công nghiệp chưa thật sự gắn kết”. Ông hy vọng sẽ làm hết sức mình với tư cách là thành viên Hội đồng năng lực cạnh tranh công nghiệp mới để tăng cường quan hệ giữa các trường đại học và ngành công nghiệp. “Tất nhiên để đảm bảo tăng trưởng dài hạn, phải đầu tư vào nghiên cứu cơ bản và nâng cao trình độ con người”, Reiko Aoki, nhà kinh tế tại Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, chia sẻ thêm.
Lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc hiện được xem là ngành công nghệ “hot” nhất ở Nhật Bản bên cạnh các ngành như điện toán, nghiên cứu không gian, năng lượng tái tạo và công nghệ nano. Nhật Bản xác định việc lấy tế bào từ người lớn sau đó “lập trình” để sản xuất ra các tế bào mới mạnh khỏe giúp con người có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn.
Nhiều nhà quan sát cho rằng chìa khóa công nghệ cũng chính là chìa khóa tăng trưởng đang nằm trong tay các nhà khoa học Nhật Bản, đó là điều kiện cần. Một khi kinh tế Mỹ và EU hồi phục hoàn toàn thì Nhật Bản sẽ có thêm điều kiện đủ để có thể đưa kinh tế Nhật Bản phát triển như xưa.
Khánh Minh