Trong một báo cáo vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4-2011 của Nhật đã giảm 2,3% so với một năm trước đó và là quý thứ 3 liên tiếp sụt giảm. Sự sụt giảm này làm dấy lên mối lo ngại kinh tế Nhật Bản đang chững lại và có nguy cơ giảm phát trong năm 2012.
Xuất khẩu ảm đạm
GDP trong quý cuối năm 2011 sụt giảm hơn rất nhiều so với dự đoán chỉ 1,3% của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg trước đó. Nhìn chung, cả năm 2011, GDP của Nhật Bản giảm 0,9% và là năm giảm đầu tiên kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc vào tháng 6-2009.
Bộ trưởng Kinh tế Motohisa Furukawa cho biết GDP tăng trưởng ảm đạm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp, tình hình lũ lụt tại Thái Lan làm gián đoạn nguồn cung và đồng yên vẫn giữ đà tăng giá mạnh. Panasonic, hãng sản xuất TV plasma lớn nhất thế giới đang đối mặt với khoản lỗ cao kỷ lục 780 tỷ yên (hơn 10 tỷ USD) trong năm 2011 do lũ lụt tại Thái Lan và nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Sony, hãng sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới cho biết có thể sẽ mất tới 220 tỷ yên trong năm 2011, thay vì khoảng 90 tỷ yên như dự báo đưa ra hồi tháng 11.
Nhu cầu trong nước Nhật Bản cũng yếu do việc hồi phục kinh tế nhờ tái thiết sau thảm họa động đất diễn ra chậm chạp. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ yếu như Mỹ, châu Âu - những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản - đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn vì khủng hoảng nợ công diễn biến ngày càng xấu. Hậu quả là cán cân thương mại năm 2011 của Nhật đã bị thâm hụt 2,5 ngàn tỷ yên (khoảng 32 tỷ USD) - mức thâm hụt hàng năm đầu tiên kể từ 31 năm qua.
Tác động của lạm phát và sự tăng giá của đồng yên
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa, nền kinh tế quốc gia đang trong tình trạng “nguy cấp” do tác động của lạm phát và sự tăng giá quá nhanh của đồng yên. Báo Asahi Shimbun mới đây cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bí mật can thiệp vào thị trường tiền tệ đầu tháng 11-2011 nhằm chặn đà tăng giá mạnh của đồng yên so với USD bằng cách bán 1.020 tỷ yên (13,3 tỷ USD) mà không công bố.
Đợt can thiệp này xảy ra không lâu sau khi Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ vào ngày 31-10-2011 thông qua việc bán ra 8.070 tỷ yên, con số kỷ lục từ trước tới nay, để mua USD. Khi đó, đồng yên tăng lên mức cao nhất kể từ thời hậu chiến so với đồng USD, với tỷ giá 75,32 yên đổi 1 USD (tỷ giá này thời hậu chiến là 75,35). Trong 2 năm qua, đồng yên luôn là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong nhóm các đồng tiền thuộc G10, mức tăng lần lượt đạt 15% và 6%.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ, làm yếu đồng yên nếu đồng yên tăng giá theo chiều hướng mà Tokyo nhận thấy không phản ánh thực chất tình hình kinh tế của nước này.
Các số liệu yếu kém, tình trạng giảm phát kéo dài và đồng yên mạnh có thể tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải nới lỏng chính sách hơn nữa để vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tuần trước, quốc hội Nhật đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ 4, trị giá 2.500 tỷ yên (32 tỷ USD) để trợ cấp cho hoạt động tái thiết đất nước và hỗ trợ sản xuất. Song, tập đoàn kinh tế JPMorgan dự đoán GDP Nhật Bản sẽ tăng 1,3% trong năm 2012, thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,9%.
Hạnh Chi
Các thứ trưởng tài chính và phó thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17-2 đã gặp nhau tại thành phố Yaroslavl, miền Trung nước Nga, để tìm biện pháp giải quyết mục tiêu cắt giảm chi tiêu ngân sách mà vẫn thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Theo Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak, trong số các thành viên APEC, tình hình ở Mỹ và Nhật Bản tồi tệ nhất, trong khi tình hình ở các thành viên khác có vẻ thuận lợi hơn. |