Người lao động Nhật Bản vốn nổi tiếng vì sự cần cù, tận tâm với công việc. Những đức tính này góp phần đưa kinh tế Nhật Bản phát triển thần tốc sau thế chiến thứ hai, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về ngành sản xuất công nghiệp trên thế giới.
Tuy nhiên, với tốc độ giảm dân số đang ở mức báo động cao, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Nhật Bản nên tiến hành cải cách văn hóa làm việc.
Thống kê của Tổ chức hợp tác hợp tác quốc tế (OECD) cho thấy người lao động Nhật Bản hoàn thành 1.747 giờ làm việc trong năm 2012, ít hơn so với mức trung bình của OECD là 1.765 giờ. Nhưng đây chỉ là giờ làm việc chính thức. Trong khi việc tự nguyện làm thêm giờ lại là chuyện phổ biến ở Nhật Bản, chiếm tới 85% tổng số người lao động. Ở độ tuổi từ 20 đến 40 - thời gian tốt nhất để làm cha mẹ, người lao động lại làm việc nhiều hơn 60 giờ mỗi tuần.
Trang tin East Asia Forum cho rằng, quan niệm làm thêm giờ đẩy nhanh công việc của người Nhật cần tính toán lại vì các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy làm thêm giờ không góp phần đáng kể trong việc này. Năng suất lao động bị giảm khi căng thẳng, do làm việc quá nhiều. Nền kinh tế sẽ hứng chịu hậu quả do lao động được phân bố không hiệu quả. Nếu người lao động làm thêm giờ hợp lý, họ có thể đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế. Ngày càng đông thanh niên Nhật Bản than phiền do quá bận làm việc, không có thời gian kết hôn nên văn hóa làm việc thêm giờ đang được cho là góp phần giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản, tạo gánh nặng về lực lượng lao động đối với nền kinh tế.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, dân số Nhật Bản giảm ở mức kỷ lục 244.000 người trong năm 2013. Đây là lần giảm cao nhất kể từ thời thế chiến thứ hai. Chỉ có khoảng 1,1 triệu trẻ chào đời tại Nhật trong năm 2013, giảm khoảng 6.000 so với năm trước đó. Nếu tình trạng này vẫn tồn tại, Nhật sẽ mất đi 1/3 dân số trong 50 năm tới. Đáng báo động hơn là khoảng 25% dân số Nhật hiện trên 65 tuổi và con số dự kiến sẽ tăng lên gần 40% vào năm 2060.
Đứng trước nỗi lo về dân số già, Chính phủ của Thủ tướng Abe đã đặt trọng tâm vai trò phụ nữ trong nền kinh tế và xác định lực lượng này sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản. Tỷ lệ phụ nữ Nhật đi làm hiện chỉ chiếm 60%, ít hơn so với 80% của nam giới. Tuy nhiên, sự phân chia bình đẳng hơn tỷ lệ lao động giữa hai giới tại Nhật có thể làm tăng số phụ nữ kết hôn nhưng lại rất khó cho họ duy trì gia đình yên ấm khi người lao động tiếp tục trở về nhà sau một ngày làm việc vào 10 giờ tối. Điều này cho thấy chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động để giải quyết vấn đề tài chính là chưa đủ vì khi phụ nữ làm thêm việc quá nhiều, họ không muốn nuôi và sinh con.
Trong lịch sử nhân loại, các nguồn lực chủ yếu của một quốc gia để trở thành cường quốc là quy mô dân số, lãnh thổ. Tỷ lệ dân số giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc Nhật Bản muốn trở thành một cường quốc lớn hơn ở khu vực trong Thế kỷ châu Á. East Asia Forum nhận định, một giải pháp hiệu quả mang tính lâu dài trong việc cải cách thị trường lao động Nhật Bản là cần tập trung vào giờ làm việc hiệu quả thay vì kéo dài giờ làm thêm, giúp khuyến khích người lao động Nhật kết hôn, sinh con, cùng chia sẻ nghĩa vụ chăm sóc gia đình.
THANH HẰNG