Ngày 11-6, Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan, đã cam kết về một chính sách tài chính nhằm giảm “núi” nợ công của nước này trước những báo động về tình trạng nợ nần có thể khiến Nhật sa vào con đường của Hy Lạp.
Ông Kan nói: “Chúng ta đang đứng trước một núi nợ khổng lồ. Tài chính công của Nhật Bản đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào”. Sau hàng thập kỷ khuyến khích chi tiêu và khoản thu thuế ít ỏi, hiện nợ công Nhật Bản gần gấp đôi GDP của nước này, khiến chính phủ Nhật Bản phải phát hành ngày càng nhiều trái phiếu để chi trả các khoản chi dùng.
Ông Kan cho rằng “không thể tiếp tục duy trì chính sách tài chính phần lớn dựa vào sự đảm bảo của trái phiếu chính phủ”. Theo Thủ tướng Kan, Nhật Bản có nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp khi nợ công gia tăng, niềm tin vào thị trường trái phiếu giảm sút, phải trông chờ vào việc cải tổ hệ thống thuế để giúp chính phủ giảm nợ công.
Ông Kan cam kết sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sau thời gian trì trệ gần 20 năm. Ông Kan đang nhắm đến mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình thực tế của Nhật là 2% từ năm nay cho đến 2020. Thủ tướng Nhật cũng cho biết sẽ công bố một chiến lược phát triển kinh tế vào cuối tháng 6 này, trong đó tập trung thúc đẩy công nghệ xanh, khuyến khích xuất khẩu sang các thị trường châu Á đang phát triển…
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng phụ trách cải cách bưu điện và dịch vụ tài chính Shizuka Kamei, đồng thời là Chủ tịch đảng Quốc dân mới (PNP) trong liên minh cầm quyền.
Ông S.Kamei cho biết ông từ chức để phản đối việc đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) không thực hiện một thỏa thuận trước đó với PNP về việc ban hành một điều luật nhằm hạn chế hoạt động tư nhân hóa ngành bưu điện. Tuy nhiên, ông khẳng định PNP sẽ vẫn duy trì quan hệ đối tác trong liên minh cầm quyền với DPJ.
Đ.V.