Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định từ ngày 13-4 giảm lãi suất trần huy động tiền USD từ 5% xuống 3%/năm. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% tính từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 5-2011.
Hôm qua 20-4 là đúng một tuần kể từ khi quyết định trên có hiệu lực, tình hình thị trường tiền tệ nói chung và thị trường giao dịch USD nói riêng đã có chuyển biến tích cực. Trước hết, khi lãi suất tiền gửi USD hạ thấp, người dân không muốn găm giữ hoặc gửi tiền USD vào ngân hàng nữa mà chuyển sang tiền đồng Việt Nam (VND) để kinh doanh hoặc sử dụng với mục đích khác có lợi hơn.
Trong khi đó, với mức trần lãi suất huy động tiền Việt Nam tăng lên, những người dân và doanh nghiệp vốn găm giữ ngoại tệ đã lập tức bán USD (cho các ngân hàng) để chuyển sang VND gửi vào ngân hàng nhằm hưởng mức chênh lệch cao hơn - theo ước tính khoảng 11%/năm.
Với động thái này, các ngân hàng - trước đây vốn rơi vào tình trạng “rỗng” ngoại tệ mạnh, nay được thả sức mua vào và nắm giữ khối lượng lớn, có ngân hàng mua được hàng triệu USD mỗi ngày.
Nhưng điều đáng nói hơn, nó đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống USD hóa nền kinh tế. Nhớ lại những năm trước, mỗi khi tỷ giá giữa USD và VND của thị trường liên ngân hàng thay đổi đều kéo theo biến động của thị trường ngoại tệ và gây sóng gió cho nền kinh tế. Nhưng tuần qua, các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh nhiều lần giá mua vào và bán ra đối với đồng USD mà thị trường vẫn bình ổn. Rõ ràng, đồng USD không còn hấp dẫn trong các hoạt động tích lũy và giao dịch mà chuyển mạnh sang đồng nội tệ là một bước tiến đáng kể trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô - một mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết 11 mà Chính phủ ban hành cách đây 2 tháng. Như vậy, chỉ với một động thái hạ lãi suất huy động USD của chính sách tiền tệ, chúng ta đã đạt được nhiều mục đích mà những năm trước, dù có rất nhiều biện pháp nhưng cũng chưa đạt được.
Song, Nghị quyết 11 của Chính phủ còn đề cập đến nhiều giải pháp rất mạnh khác: thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện và xăng dầu hợp lý gắn với hỗ trợ hộ nghèo… Nếu các chính sách này cũng được thực hiện như chính sách tiền tệ vừa qua thì hiệu quả sẽ còn tăng lên gấp bội, mục tiêu ổn định nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của chúng ta chắc chắn thành công.
TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Do đó, nếu triển khai tốt và đồng bộ các chính sách của Nghị quyết 11 sẽ góp phần quyết định vào sự phát triển chung của cả nước.
PHAN LỘC