Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, có rất nhiều tài liệu thật giả đủ loại viết về Adolf Hitler. Vào ngày 22-4-1983, tạp chí Đức Der Stern đã gây chấn động dư luận khi công bố họ có trong tay bộ nhật ký 62 tập đáng giá của Hitler viết trong thời gian từ năm 1932 đến năm 1945.
Thông tin này đã lập tức gây sốt trong lĩnh vực truyền thông lúc bấy giờ. Nhiều tạp chí và tờ báo muốn mua lại quyền xuất bản nhiều kỳ cuốn nhật ký với tâm trạng háo hức tiết lộ về những gì chưa biết về nhân vật nổi tiếng của thế kỷ 20 này. Các nhà báo, nhà sử học và cả các nhà nghiên cứu chiến tranh bắt đầu săm soi cuốn nhật ký. Sự hoài nghi cũng bắt đầu tăng lên. Nhiều sử gia cho rằng Hitler nổi tiếng không thích ghi chép cho riêng mình. Thế nhưng Der Stern nhấn mạnh không hề có gian lận.
Tạp chí này cho rằng trong những ngày cuối cùng của Đức quốc xã, một máy bay chở nhiều đồ dùng cá nhân của Hitler rơi gần Dresden, Đông Đức. Cuốn nhật ký này được kéo ra khỏi đống đổ nát của vụ tai nạn và được một vị tướng của Đông Đức bảo quản trong 3 thập niên. Trong những năm đầu thập niên 1980, em trai của vị tướng là Konrad Kujau, một họa sĩ và chuyên gia đồ cổ, đã chuyển lậu bộ nhật ký ra khỏi Đông Đức. Họ sau đó bán cho Der Stern thông qua phóng viên Gerd Heidemann với giá 9,9 triệu mark.
Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày đã lòi ra. Các chuyên gia đã có cơ hội xem xét và đưa ra phán quyết: Tập nhật ký thật vụng về, giả mạo rõ ràng chất nghiệp dư. Bên cạnh đó, loại giấy viết chỉ được sản xuất sau Thế chiến thứ hai. Nội dung trong đó cũng chẳng có giá trị gì nếu không muốn nói là ngớ ngẩn và tầm thường, không tiết lộ bất cứ điều gì về Hitler. Hơn nữa, hầu hết các mục chỉ đơn giản là do ăn cắp ý tưởng từ cuốn sách Hitler’s Speeches and Proclamations (Các bài diễn văn và tuyên bố của Hitler) của tác giả Max Domarus, một cựu nhân viên lưu trữ Đức quốc xã. Ngay cả lỗi về lịch sử mà Domarus mắc phải cũng được bê nguyên xi vào cuốn sách gọi là nhật ký của Hitler. Phải đối mặt với bằng chứng này, Der Stern miễn cưỡng thừa nhận rằng họ đã bị lừa. Nguồn gốc của sự giả mạo bắt nguồn từ Konrad Kujau. Ông đã viết cuốn nhật ký về bản thân mình nhưng có biệt tài bắt chước chữ viết tay của Hitler và rồi tung hô lên là của Hitler. Chính vì vậy, Kujau và Heidemann đã bị kết tội gian lận và bị kết án hơn 4 năm tù mỗi người.
Giờ đây, Gerd Heidemann, đã 83 tuổi, muốn lấy lại bản gốc cuốn nhật ký vì cho rằng theo hợp đồng với tạp chí Der Stern, sau 10 năm kể từ ngày xuất bản, họ phải trả lại bản gốc cho ông nhưng đến nay đã 30 năm. Ông Heidemann nói ông phải bỏ tiền túi 9,3 triệu mark (6,1 triệu USD) để mua lại cuốn nhật ký từ Konrad Kujau, lẽ ra ông đã kiện các nhà xuất bản phát hành cuốn nhật ký giả này nhưng ông không đủ khả năng tài chính. Trong khi đó, nhà xuất bản Gruner & Jahr thuộc tạp chí Der Stern cho biết họ vẫn đang sở hữu hầu hết các cuốn trong nhật ký, một số đang được trưng bày trong Bảo tàng lịch sử tại Bonn và sẽ được trưng bày tại Bảo tàng cảnh sát Hamburg. Chưa rõ cuốn nhật ký giả này nếu bán sẽ có giá bao nhiêu. Nhưng quả thật nó chỉ mang tính giải trí.
KHÁNH MINH