Sáng 22-5, xung quanh Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vừa được trình ra kỳ họp Quốc hội (QH) trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.
Ông Quyền nhận định, nhiều nội dung trong đề án này không mới, nhưng chưa được thực hiện vì nhiều lý do. Đơn cử, trong lĩnh vực giám sát, việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn “là một bước tiến cực kỳ tiến bộ của nền dân chủ đại nghị Việt Nam, nhưng để làm được một cách thực chất là rất khó”.
° Phóng viên: So với dự thảo đề án đã trình xin ý kiến UBTVQH thì đề án trình QH đã có nhiều sửa đổi, trong đó không còn quy định bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm; công khai kết quả và hai lần không đạt tỷ lệ tín nhiệm quá bán thì bị bãi nhiệm. Ông có bình luận gì?
°Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN: Muốn thay đổi thì phải sửa luật còn nếu không thì vẫn là cũ. Bỏ phiếu tín nhiệm nằm trong Luật Hoạt động giám sát, không sửa luật này làm sao thực hiện được! Theo luật này, để có thể thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm phải hội đủ 20% ý kiến đại biểu, nhưng là trong một kỳ họp hay trong cả nhiệm kỳ; tập hợp ý kiến đại biểu theo phương thức nào… thì vẫn chưa được quy định rõ.
Vấn đề này liên quan đến luật, muốn đảm bảo tính pháp chế của một nhà nước pháp quyền thì đề án không thể trái luật. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là làm đúng tất cả những gì pháp luật đã quy định rồi, bởi vì quy định đã có mà mình chưa làm đúng! Còn những nội dung chỉ liên quan đến Văn phòng QH, không liên quan gì đến luật, như việc thành lập Thư viện QH thì tôi cho là việc này vẫn có thể làm mà không cần phải đưa vào đề án.
° Vậy việc bỏ phiếu tín nhiệm, vốn được coi là nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thì sao, thưa ông?
° Việc này đặt ra từ lâu rồi và kiến nghị để sửa điều luật đó cho thực tế, cụ thể hơn cũng được đề cập từ lâu rồi, từ thời ông Vũ Đức Khiển làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XI, nhưng đến nay vẫn chưa làm. Theo tôi, để làm được và làm thực chất thì việc bỏ phiếu hàng năm không cần hội đủ 20 hay bao nhiêu phần trăm đại biểu kiến nghị gì cả. Tỷ lệ này chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường, bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn với các bộ trưởng, nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu hàng năm.
° Nếu không đủ 50% phiếu tín nhiệm, bộ trưởng nên từ chức?
° Vấn đề là quy trình phải được xem xét chặt chẽ. Các đại biểu khi tiến hành bỏ phiếu phải đủ thông tin. Một thông tin sai lệch có thể làm phương hại đến một cá nhân nào đó, khiến một anh đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, phải được làm thì lại phải nghỉ bởi tất cả các vấn đề về nhân sự đều phải tiến hành một cách cực kỳ chặt chẽ và thận trọng, có đủ các quy trình.
° Vậy phải chăng chưa đủ cơ sở để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm?
° Vẫn có thể làm được, nhưng như đã nói, bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến nhân sự là vấn đề rất hệ trọng, quy trình phải được tiến hành một cách chặt chẽ và quan trọng nhất là phải có đủ thông tin. Muốn đủ thông tin thì còn rất nhiều việc phải làm. Nào là xây dựng quy trình, nào là cung cấp thông tin từ người được bỏ phiếu hàng năm, rồi đến chế độ công vụ, trách nhiệm của họ trong việc thực thi công vụ của mình... Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã là một chế định của Luật Hoạt động giám sát, cụ thể hóa Hiến pháp. Khi ban hành chế định này, người ta coi rằng đó là một bước tiến cực kỳ tiến bộ của nền dân chủ đại nghị Việt Nam. Quy định bỏ phiếu tín nhiệm này với điều kiện hội đủ 20% ĐBQH đề nghị là một cái vướng cần phải sửa, mà sửa thế nào thì QH cần phải bàn.
° Cảm ơn ông!
Anh Thư ghi