Nhếch nhác đô thị...

Nhếch nhác đô thị...

Không thể phủ nhận TPHCM đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Nhiều khu đô thị mới ra đời, nhiều tuyến đường được xây mới, chỉnh trang hoặc mở rộng… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó vẫn còn không ít tồn tại…

Nhếch nhác: nơi nào cũng có

Đó là cảm giác chung của chúng tôi khi đi thực tế ở nhiều khu đô thị, nhất là các khu đô thị nằm... ngoài khu vực trung tâm TPHCM. Rác vứt bừa bãi, xe dựng ngổn ngang, vỉa hè sứt mẻ hoặc không có, hố ga hôi hám, dây điện giăng như mắc cửi…

Rác nhếch nhác trên một số tuyến đường. Ảnh: CAO THĂNG

Khu phố buôn bán đồ gỗ, nhựa nội thất trên đường Ngô Gia Tự trong một buổi trưa trung tuần tháng 5-2015, “hội tụ” gần như đầy đủ những nhếch nhác nêu trên. Rác, hầu như chỗ nào cũng có. Vỉa hè đường Ngô Gia Tự đoạn từ nút giao với đường Lý Thái Tổ tới nút giao với đường Nguyễn Chí Thành rộng khoảng 4 - 5m và được lát gạch sạch sẽ hơn so với vỉa hè của nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, song dường như vẫn chưa đủ cho người dân… buôn bán. Nhiều cửa hàng vẫn bày hàng lấn ra vỉa hè tới hơn 3m. Thêm xe gắn máy của người mua hàng dựng ngổn ngang… Thế là hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Cách đó không xa, trên đường An Dương Vương, nhiều hộ kinh doanh sửa chữa, dán đề-can xe hơi lấn cả ra đường để… làm việc. Vỉa hè ở những khu vực này gần như bị biến mất trong không gian kinh doanh nhộn nhịp này. Ở đường Hoàng Văn Thụ đoạn gần Lăng Cha Cả… cũng tương tự như vậy! Chúng tôi đã chứng kiến không ít lần vào giờ cao điểm sáng, mặc cho lưu lượng xe qua nút giao thông Lăng Cha Cả đông nghẹt, tiệm sửa chữa, bơm hơi cho ô tô nằm ngay đầu đường Hoàng Văn Thụ vẫn vô tư hoạt động. Hai, ba chiếc taxi nằm dàn ra đường, chờ được bơm bánh xe. Vỉa hè, đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ ngã ba đường Thích Quảng Đức tới nút giao thông Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn, từ vài ba năm nay đã trở thành “chợ” bán đồ cũ với đủ các mặt hàng từ đồng hồ, quạt máy, nồi cơm điện, điện thoại cũ tới cây cảnh, đồ đồng. Lạ là, mặc dù đang là mùa nắng nhưng không hiểu sao, nhiều đoạn trên vỉa hè đường Nguyễn Kiệm luôn ẩm ướt và bốc mùi khó chịu. Phải chăng do mấy quán bán bánh canh ghẹ, hủ tiếu… gần đó đổ nước rửa chén bát xuống? Tuy nhiên, nếu chỉ nói đến mùi nước rửa chén bốc lên mà chỉ nhắc đến đường Nguyễn Kiệm là không đầy đủ. Mùi này bốc lên ở hầu hết các tuyến đường “ăn nhậu” của quận 5, 6, 10, 11… Cứ trời vừa tắt nắng, bàn ghế lại được dọn ra… kín cả vỉa hè và rồi chỉ vài giờ sau đó là đủ thứ mùi vị bốc lên trên các tuyến đường này. Không ít người dân sinh sống ở đây cho chúng tôi biết “đã khốn khổ nhiều vì mùi khói, mùi hôi bốc lên từ các hàng quán”. Người dân kiến nghị và cán bộ của các ngành chức năng cũng đã nhiều lần xuống nhắc nhở các hàng quán…, nhưng khi cán bộ vừa rời đi thì mọi việc lại diễn ra như cũ, một người dân ngụ trên đường An Dương Vương, khu vực gần Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cho biết. 

Cần bàn tay của chính quyền địa phương  

Hầu hết những nơi chúng tôi nêu tên ở trên đều là những khu vực có thu nhập khá ở TPHCM. Do đó, không thể nói vì thiếu kinh phí mà không thể giữ cho đường phố sạch đẹp, ngăn nắp. Vậy lý do gì mà đô thị nhếch nhác đến vậy?

Theo ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, hiện là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, chỉ có một câu trả lời, đó là chưa có sự quan tâm đúng mức đến vệ sinh, văn minh đô thị ở nhiều địa phương. Nhiều đô thị trong khu vực Đông Nam Á có mức thu nhập tương đương TPHCM, nhiều công trình xây dựng và hệ thống giao thông của họ cũng nhỏ và chật chội như TPHCM, tuy nhiên, khi dạo bước trên những khu phố ấy vẫn có cảm giác rất thoải mái bởi chúng được sắp xếp ngăn nắp và giữ sạch sẽ. Việc kinh doanh một phần trên vỉa hè cũng được cho phép nhưng trong khu vực nhất định. Đặc biệt, các hàng quán phải luôn có thùng rác, nơi để xe, nhà vệ sinh cho khách hàng. Những yêu cầu này là một trong những điều kiện tiên quyết để được kinh doanh ở đây.

Trở lại với TPHCM, theo một luật sư, việc kinh doanh trên vỉa hè là không được phép. TPHCM chỉ cho phép trên một số tuyến đường có vỉa hè rộng, được dành một phần vỉa hè làm nơi giữ xe. Phần vỉa hè này phải được kẻ xác định ranh giới cụ thể. Cùng với các quy định của pháp luật, TPHCM còn ban hành nhiều quy định về quy hoạch, xây dựng như Quyết định 135, Quyết định 145 về xây dựng nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu…, trong đó cho phép trong các khu vực kinh doanh, người dân được xem xét cho tăng thêm một tầng công trình để có nơi giữ xe cho khách. Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, được khuyến khích xây hầm để xe. Nhiều quy định về xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi, tiêu tiểu, xả nước bẩn không đúng nơi quy định… cũng đã được ban hành. Ấy vậy mà…

TPHCM đã nhiều lần nói đến “trách nhiệm của chính quyền các địa phương”. Quả thật, để giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, chính quyền các địa phương có vai trò cực kỳ quan trọng. Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trung bình mỗi năm TPHCM đón hàng ngàn người nhập cư từ các tỉnh, thành khác về. Đó là chưa kể một bộ phận dân nghèo của thành phố. Phần lớn trong số họ đều có nhu cầu kinh doanh để mưu sinh. Trong khi đó, nhiều người lại không có đủ điều kiện để được vào kinh doanh trong các chợ, các trung tâm thương mại… Như vậy, để giữ gìn văn minh trật tự đô thị, bên cạnh việc xử lý các hành vi kinh doanh không đúng quy định, chính quyền các cấp - nơi gần dân nhất, nên quan tâm đến việc bố trí các điểm kinh doanh miễn phí cho người nghèo. “Bàn tay chăm sóc” của chính quyền địa phương rất cần có mặt ở đây nhưng phải có cả hai mặt: quan tâm, chăm sóc và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm thì văn minh trật tự, mỹ quan đô thị của thành phố mới được giữ gìn.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục