Nhếch nhác nhà tái định cư

Nhiều dự án tái định cư tại Tây Nguyên đang dở dang hoặc xây dựng không hợp lý, khiến đời sống người dân thêm khó khăn và gây lãng phí tiền tỷ.
Nhếch nhác nhà tái định cư

Nhiều dự án tái định cư tại Tây Nguyên đang dở dang hoặc xây dựng không hợp lý, khiến đời sống người dân thêm khó khăn và gây lãng phí tiền tỷ.

Dự án dở dang

Dự án quy hoạch, bố trí dân cư xã Đắk Hring (nay là xã Đắk Long, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) có diện tích 690ha (đất dân cư 110ha, đất sản xuất 580ha) để ổn định cho 300 hộ với 1.500 khẩu ở các xã Đắk Mar, thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà). Các hộ này nằm trong diện thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông. Dự án triển khai trong giai đoạn 2009-2015 với tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng. Đến nay, dù đã quá một năm so với kế hoạch nhưng dự án vẫn dở dang, nhà cửa thưa thớt, nhiều căn cửa đóng then cài, sân nhà cỏ mọc um tùm vì lâu ngày không có người ở. Anh A Binh (36 tuổi, làng Kon Gun) cho biết, năm 2004 thủy điện thu hồi của anh 2ha đất trồng mì với số tiền đền bù 25 triệu đồng. Sau khi giao đất, vợ chồng anh sống tạm trong căn nhà chính sách đã xuống cấp để làm đủ mọi nghề nuôi 4 đứa con. Anh Binh cũng thuộc diện được bố trí lên khu quy hoạch dân cư xã Đắk Hring, nhưng ở đó anh chỉ được giao vườn cà phê 500 cây, còn nhà chưa có. “Khu vườn cà phê này cách nhà cũ hơn 10km. Vườn một nơi, nhà một nơi thì vất vả lắm. Cứ đến mùa làm cỏ, thu hoạch cà phê, chúng tôi phải cơm đùm gạo bới chạy từ nhà lên khu tái định cư mới ở lại để làm. Cũng vì xa rẫy, thiếu điều kiện chăm sóc nên sản lượng cà phê rất thấp”, anh Binh nói.

Theo UBND huyện Đắk Hà, trong 300 hộ thuộc diện bố trí, đến nay chỉ bố trí được 126 hộ với 679 khẩu nhưng chỉ có 52/126 hộ đã có nhà, số còn lại chỉ mới bố trí đất ở. “Dự án chậm tiến độ do thiếu nguồn vốn từ Trung ương. Cụ thể, hiện chỉ mới cấp hơn 107 tỷ đồng, còn thiếu 41 tỷ đồng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị bố trí số vốn còn lại và được hứa sẽ bố trí đầy đủ nhưng chưa biết lúc nào”, ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho biết.

Cuộc sống thiếu thốn của cư dân bên trong 4 bức tường xây thô của “nhà” tái định cư. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Dân chê nhà ở hỗ trợ

Trong khi đó, tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), nhiều nhà hỗ trợ cho người nghèo đang bỏ hoang vì xây dựng quá thô sơ, ở vị trí không phù hợp. Năm 2010, thôn Tân Phú (thôn đặc biệt khó khăn của xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) được hỗ trợ xây dựng 19 căn nhà theo chương trình 167 của Chính phủ. Nhưng sau khi hoàn thành, nhiều hộ dân chỉ ở được thời gian ngắn rồi bỏ đi nơi khác. Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng thôn Tân Phú, cho biết nguyên nhân do khu dân cư thiếu nguồn nước nghiêm trọng, xa nơi canh tác nương rẫy. Bên cạnh đó, đường dẫn vào thôn sình lầy, khu dân cư bị cô lập nên phần lớn con em trong thôn chỉ học hết cấp 1 rồi ở nhà, bà con không ở được nên bỏ lên rẫy dựng nhà tạm.

Còn dự án giãn dân, tái định canh, định cư tập trung Bog Tiên (thôn B’Liang, xã Tà Hine) được triển khai từ năm 2013, mức đầu tư hơn 9,8 tỷ đồng dành cho 67 hộ dân (toàn bộ là người dân tộc thiểu số). Sau 3 năm triển khai, dự án làm xong hạng mục đường giao thông trục chính, san gạt và hỗ trợ cho 44 hộ dân làm nhà với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 6 hộ dân vào ở trong những “ngôi nhà” tái định cư. Ông Ha Tông (thôn B’Liang, xã Tà Hine) cho biết: “Đầu năm 2016, được Nhà nước xây cho căn nhà này nhưng chỉ có mấy bức tường thô sơ; mưa từ trên rơi thẳng xuống còn đỡ, chứ gặp thêm gió tạt ngang thì nước tạt vào nhà, khổ lắm!”. Đó cũng là tình trạng chung của những ngôi nhà khác tại khu định cư tập trung Bog Tiên. Theo quan sát, các dãy nhà được xây cùng kiểu, mỗi căn rộng 4m, dài 6m được xây bằng gạch chưa được trát bề mặt tường, không có bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, nền nhà cũng mới chỉ được san ủi sơ sài, chưa đổ nền... nhiều ngôi nhà chưa được lắp cửa. Một số hộ dân sau khi chuyển vào ở thì mọi sinh hoạt đều diễn ra trong 4 bức tường vỏn vẹn 24m2.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đức Trọng, thừa nhận theo đề án định canh, định cư thì kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân tự xây nhà ở là 15 triệu đồng/hộ. Với số tiền trên để xây nhà thì chưa đảm bảo về kết cấu, tiêu chuẩn kỹ thuật (trong 15 triệu đồng có cả phần hỗ trợ lương thực 6 tháng đầu). “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiến nghị lấy ngân sách hỗ trợ thêm một phần để các hộ nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa”, ông Phạm Ngọc Tiến cho biết.

HỮU PHÚC - ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục