Nhếch nhác ở di tích Thành cổ Biên Hòa

Thành cổ Biên Hòa là di tích có giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, có tuổi đời trên 300 năm, được xem là khu thành cổ nhất vùng đất Nam bộ. Năm 2013, Thành cổ Biên Hòa được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, di tích Thành cổ Biên Hòa dường như đang bị lãng quên và rơi vào trong tình trạng nhếch nhác do bị lấn chiếm. 
Cảnh nhếch nhác trước mặt tiền của di tích Thành cổ Biên Hòa
Cảnh nhếch nhác trước mặt tiền của di tích Thành cổ Biên Hòa

Báu vật ít người biết

Theo sử liệu, Thành cổ Biên Hòa được đắp bằng đất lần đầu tiên vào năm Gia Long thứ 15 (1816) có chu vi dài 280 trượng (1.187,2m), cao 4 thước ba tấc (1,996m), dày 1 trượng (4,24m), hào rộng 2 trượng (8,48m), sâu 6 thước (2,544m). Đây là công trình có cấu trúc độc đáo trên diện tích 10.816m2, vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Thành cổ Biên Hòa được xây lại bằng đá ong đỏ với quy mô lớn hơn, chu vi dài 338 trượng (1.433,12 m), cao 8 thước 5 tấc (3,604m), dày 1 trượng (4,24m), hào rộng 4 trượng (16,96m), sâu 6 thước (2,544m). Thành có 4 cửa và 1 kỳ đài (phía chính diện). Mỗi cửa có cầu đá bắc ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Thành cổ Biên Hòa và thu hẹp phạm vi thành để làm nơi đóng quân. Vào những buổi sáng, lính Pháp thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương quen gọi là Thành Kèn. Thời kỳ 1954 - 1975, Thành cổ Biên Hòa được sử dụng vào mục đích quân sự. 

Sau năm 1975, Phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai quản lý, sử dụng di tích và xây dựng thêm một số hạng mục làm công sở, nhà kho. Năm 2001, do nhu cầu mở đường nội ô ở thành phố, một số hạng mục như lô cốt, vòng thành bị đập bỏ. Mặc dù diện tích của Thành cổ Biên Hòa bị thu hẹp, một số hạng mục bị phá vỡ so với hình thể ban đầu, nhưng vẫn bảo lưu được yếu tố gốc cần thiết. Do bị xuống cấp nghiêm trọng, năm 2014 thành cổ được trùng tu tôn tạo lại, đến nay đã hoàn thành các hạng mục trùng tu, tôn tạo khu nhà cổ phía Tây; bảo tồn nhà cổ phía Đông; phục hồi các đoạn tường thành, tháp canh; xây mới sân lễ, hệ thống nhà vệ sinh, khu vực giữ xe, thoát nước, đèn chiếu sáng với tổng kinh phí hơn 41,4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nhếch nhác đến bao giờ?

Mặc dù là di tích khá nổi tiếng như vậy nhưng lại có rất ít người biết đến thành cổ này dù là người sinh sống ở Đồng Nai. Nguyên nhân là thành cổ nằm khuất phía sau những căn nhà tạm bợ, nhếch nhác. Anh Nguyễn Thành Vinh, người dân TP Biên Hòa, chia sẻ: “Nhiều người quen của tôi cho biết, họ không nhìn thấy thành cổ vì thành bị nhiều căn nhà, hàng quán tạm bợ ở phía trước che khuất. Chúng tôi mong muốn thành phố sớm di dời những hàng quán tạm bợ phía trước để trả lại hình ảnh đẹp cho thành cổ, để người dân Biên Hòa nói riêng, người dân Đồng Nai nói chung và những người từ nơi khác đến khi đi qua con đường này đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành cổ. Người dân Biên Hòa luôn muốn thành cổ được biết đến và là điểm đến du lịch của nhiều người”. 

Đáng nói hơn là ngay trong khuôn viên thành cổ vẫn còn tồn tại trụ sở tạm của một số đơn vị của chính Sở VH-TT-DL tỉnh trong đó có Ban Quản lý di tích - danh thắng (QLDT-DT) Đồng Nai!?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2015, Ban QLDT-DT Đồng Nai có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý các ki ốt trên 2 thửa đất, gồm các thửa 19, tờ bản đồ 21 (diện tích 282,4m2) và thửa 20, tờ bản đồ 21 (diện tích 162,9m2) do Hợp tác xã TM-DV Quang Vinh quản lý, cho các hộ dân thuê nhiều năm qua, án ngữ phía trước mặt tiền di tích Thành cổ Biên Hòa gây ảnh hưởng đến môi trường, độ bền vững và cảnh quan của di tích.

Sau đó, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có văn bản cho ý kiến chấp thuận chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích đất trên giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh quản lý theo quy định. Văn bản cũng nêu, Hợp tác xã TM-DV Quang Vinh tự ý chuyển nhượng đất và tài sản cho bà Trần Kim Phượng nên phải tự thỏa thuận với bà Phượng để khẩn trương di dời toàn bộ tài sản trên đất, bàn giao quỹ đất sạch cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh, thời hạn thực hiện trước ngày 20-1-2017 và giao UBND TP Biên Hòa kiểm tra, giám sát việc di dời. Trường hợp đến ngày 20-1-2017 chưa di dời tài sản trên đất, giao UBND TP Biên Hòa thực hiện cưỡng chế, di dời tài sản trên đất theo đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, đến nay đã 2 năm trôi qua mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban QLDT-DT Đồng Nai, cho biết hiện có 7 hộ dân đang lấn chiếm đất của khu di tích Thành cổ Biên Hòa cất nhà để sinh sống và buôn bán. Hiện có một số hộ đã có sổ đỏ và thực hiện việc mua bán sang nhượng, buôn bán nhếch nhác làm mất đi vẻ đẹp của thành cổ. Trong khi đó, mặt sau của thành cổ thì một đơn vị được giao đất đã cho người dân thuê để chứa phế liệu, rác… gây lo sợ về an toàn cháy nổ. Vì thế, “mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp để trả lại mặt bằng, trả lại vẻ đẹp cho thành cổ”

Cũng theo ông Dũng, đối với tòa nhà làm việc tạm của Ban QLDT-DT Đồng Nai và một số phòng ban thuộc Sở VH-TT-DL thì theo kế hoạch, tòa nhà này sẽ được đập bỏ để xây dựng cổng thành mô phỏng giống như nguyên thủy của kiến trúc này. Tuy nhiên, hiện nay việc này chưa thể thực hiện được vì không có kinh phí và trong giai đoạn bàn giao khu di tích thành cổ về cho UBND TP Biên Hòa quản lý.

Tin cùng chuyên mục