Những năm gần đây, ngành đường sắt có chú trọng cải tiến chất lượng phục vụ trên các tuyến tàu khách, với những nội dung đổi mới như “Nụ cười trong suốt cuộc hành trình”, “Hành trình ân nhân”… Tuy nhiên, khi đi tàu trong thời điểm cận tết, tôi đã chứng kiến tình trạng “hành” khách hơn là phục vụ.
Ngày 17-1, chúng tôi lên tàu SE6 xuất phát tại Ga Sài Gòn đi Hà Nội với loại vé ngồi cứng (giá 822.000 đồng). Cận tết nên lượng hành khách ở toa số 2 rất đông. Vừa bước lên toa đã nghe có người nhắc nhở: “Khi đi ra khỏi toa nhớ đóng cửa lại vì mùi hôi từ nhà vệ sinh khiếp quá”.
Quả đúng như vậy, nhiều người vừa bước lên toa, ngửi thấy mùi xú uế đã nôn ngay, không chờ đến lúc say tàu. Khi tàu đến Ga Nha Trang (Khánh Hòa), các túi rác của hành khách vứt lại bừa bãi trên sàn xe như vỏ cơm hộp, bát đũa, giấy loại, bao ni lông… nhưng nhân viên quản lý toa không màng quét dọn.
Bác Trương Tuấn Nam (một hành khách thường đi tàu TN2) cho hay: “Tôi thấy không chỉ hôm nay gần tết mới tệ vậy đâu, thường ngày tôi đi tàu TN2, rác còn nhiều hơn”. Chúng tôi thử đi qua các toa bên cạnh, chứng kiến tình trạng tương tự như toa số 2.
Điều làm hành khách phàn nàn nhiều nhất là nhà vệ sinh trên tàu mất vệ sinh. Bên trong nhà vệ sinh không có giấy vệ sinh và thùng đựng rác. Tất cả chất thải vệ sinh đều xả thẳng xuống đường ray, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương, khu dân cư có đường sắt chạy qua.
Thế nên mới có chuyện khi tàu sắp vào ga thì cửa tất cả các buồng vệ sinh đều phải khóa chặt. Còn chỗ rửa tay, nước đọng lại một vũng cực kỳ bẩn, bởi vì trước đó có người say tàu đã nôn thẳng vào bồn, gây tắc nghẽn, vậy mà nhân viên trên tàu cũng chẳng lau dọn.
Trưa, chiều, trên tàu có nhân viên đẩy xe đi bán thức ăn. Thức ăn đựng trên các khay nhôm, inox nhưng không được che phủ bằng các tấm lưới cho sạch sẽ, hợp vệ sinh. Vì thế, chỉ cần mỗi lần có người qua lại, có người lấy hành lý thì bụi bẩn lại vương vào những món ăn đó. Đêm đến, người có vé ghế chính, ghế phụ trải báo, trải chiếu... nằm la liệt dưới sàn tàu, chịu đựng việc những người đi vệ sinh mang giày dép bước qua.
Ngoài ra, trên tàu tuyến các tỉnh Bình Thuận đến Huế và ngược lại, thường xuất hiện những người bán hàng rong lên tàu chèo kéo khách. Khi thấy nhân viên bảo vệ, họ lại nhét các túi hàng xuống dưới chân hành khách hoặc để chung với nơi để hành lý, dẫn đến tình trạng lẫn lộn, mất cắp tài sản của khách.
Chúng tôi chứng kiến cảnh ở toa 5 (toa ghế mềm điều hòa) lúc vừa đến Ga Bình Thuận, không hiểu sao nhân viên quản lý toa lại mở cửa cho những người bán hàng rong lên tàu, đồng thời chuyền khoảng 20 thùng hàng (hoa quả) lên bỏ vào chỗ để hành lý của khách và cả trong nhà vệ sinh, phòng rửa mặt. Những cảnh tệ hại như vậy cần được ngành đường sắt quan tâm khắc phục.
Lương Sơn