Nhếch nhác, tùy tiện

Liên tiếp trong những năm qua, mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh đô thị được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được vẫn còn tồn tại không ít hình ảnh ngổn ngang, nhếch nhác mà nguyên do lớn xuất phát từ ý thức kém của không ít người dân, bên cạnh việc buông lỏng quản lý ở một số địa phương.

Ngay trong dịp tết vừa qua, nhiều người dân và khách nước ngoài du xuân ở khu vực trung tâm TP không khỏi bức xúc, khó chịu vì cảnh buôn bán xô bồ, người người vô tư ăn uống, xả rác xung quanh công viên Lam Sơn và vườn hoa tượng đài Bác Hồ trước UBND TPHCM. Từ xế chiều, hai khu vực này đã bị bao vây bởi hàng chục gánh hàng rong, xe đẩy bán các loại thức ăn, nước uống ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, xả rác! Trong nhiều ngày liền, rác thải bẩn tồn tại ở khắp các chậu hoa kiểng, gốc cây, lề đường, lòng đường… đã khiến cảnh quan nhếch nhác trong những ngày đầu xuân.

Sau tết, hình ảnh buôn bán bầy hầy, lấn chiếm lòng lề đường liên tục tái xuất hiện ở nhiều nơi. Tại công viên Gia Định, bên dưới các biển cấm “Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa…” là vô số các xe đẩy, mẹt, thúng, bán nước, đồ ăn các loại và rác. Hình ảnh trái ngược giữa khẩu hiệu và thực tế như vậy rất phản cảm.

Suốt những năm qua, việc đẩy đuổi, ngăn chặn hành vi thiếu văn hóa này dù diễn ra liên tục nhưng đâu lại vào đấy. Có một thực trạng chung là ý thức của nhiều người dân, người kinh doanh nhỏ lẻ còn quá kém. Cảnh buôn bán xô bồ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng ghi nhận được tại công viên Gia Định, xung quanh các bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, Từ Dũ; công viên 23-9, Lê Thị Riêng, Tao Đàn; trước cổng các trường học...

Đáng chê trách hơn, bên dưới nhiều bảng hiệu khu phố văn hóa, phường văn hóa dựng ở đầu các con hẻm lại tồn tại hình ảnh dù bạt che chắn lấn chiếm không gian, các hàng quán ăn uống bầy hầy, lấn chiếm đường ra vào khu dân cư, khiến ý nghĩa các bảng hiệu không những bị phản tác dụng mà còn tạo nên ấn tượng xấu trong suy nghĩ của người dân đối với các phong trào vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục, gắn với những biện pháp xử lý kiên quyết đối với những hành vi vi phạm và tái phạm. Một khi các địa phương, cơ quan chức năng làm tốt công tác dân vận, có các biện pháp xử lý nghiêm, để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nét văn hóa đẹp trong lối sống thường nhật, ắt hẳn việc toàn dân cùng góp sức xây dựng TP ngày một tiến bộ, văn minh hiện đại không phải là chuyện quá khó. 

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục