Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 20-9 lên đường tới New York dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Đây cũng là chuyến thăm Mỹ đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của ông Noda. Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 21-9 mà trọng tâm không gì khác là củng cố mối quan hệ đồng minh chiến lược, điều mà Thủ tướng tiền nhiệm Naoto Kan chưa kịp thực hiện đã phải từ chức.
Có thể thấy, ngược lại với chính sách chọn châu Á làm trung tâm do Thủ tướng đầu tiên của đảng Dân chủ (DPJ) Yukio Hatoyama chủ trương, tân Thủ tướng Noda lại có ý ưu tiên siết chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi vừa nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục khẳng định liên minh Mỹ-Nhật là “cột mốc” trong chính sách đối ngoại của Tokyo nhằm duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nằm trong chính sách tăng cường quan hệ đồng minh quan trọng này, ông Noda đã bổ nhiệm một người tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins, ông Akihisa Nagashima làm cố vấn quốc phòng và một người chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara, làm cố vấn chính sách. Chuyện Nhật Bản ủng hộ một Cộng đồng Đông Á tương tự EU dường như cũng trở nên lạnh nhạt dưới quan điểm của Thủ tướng Noda.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Noda được cho là đang rơi vào thế khó khăn trước những áp lực trong nước để có thể thực hiện các kế hoạch tăng cường quan hệ với Mỹ. Nếu tiếp tục thực hiện việc di dời căn cứ Futenma ra xa khu vực dân cư ở đảo Okinawa, ông Noda sẽ vấp phải phản ứng rất giận dữ từ dân chúng vì người dân muốn di dời hẳn căn cứ này khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Mà điều đó thì không thể thực hiện trong tương lai gần, nhất là khi kinh tế Mỹ đang rất khó khăn còn Chính phủ Nhật Bản đang muốn kéo dài sự hiện diện của Mỹ trong bối cảnh tranh chấp trên biển gia tăng giữa Nhật Bản với các nước láng giềng.
Vấn đề tự do thương mại cũng sẽ gây tranh cãi. Nhiều nghị sĩ Nhật Bản thuộc đảng Dân chủ cầm quyền đang vận động chống lại tự do thương mại với Mỹ trong lĩnh vực nông sản. Thủ tướng Noda sẽ phải cân nhắc vấn đề này trước khi đưa ra quyết định có gia nhập hay không Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ trương.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là chuyện Thủ tướng Noda giải quyết “việc nhà” như thế nào, nếu không ông cũng sẽ sớm nối gót những người tiền nhiệm, để lại những kế hoạch dang dở trong quan hệ với Mỹ.
Ngay lúc ông lên đường đi New York, đã có nhiều cuộc biểu tình tại Nhật Bản với sự tham dự của hàng chục ngàn người yêu cầu chấm dứt hoạt động các nhà máy điện hạt nhân sau sự cố tại Nhà máy Fukushima. Ông Noda sẽ phải quyết định chính sách về năng lượng hạt nhân mà phần lớn được dự báo là ông sẽ ủng hộ chủ trương hạn chế nhà máy điện hạt nhân đi kèm với việc nâng cao độ an toàn.
Hơn thế nữa, việc giải quyết hậu quả nặng nề của thảm họa động đất sóng thần đang đè nặng lên vai Thủ tướng Noda. Chính sách tăng thuế, giảm chi tiêu của chính phủ mới đang là một thách thức với cử tri Nhật Bản. Dù sao đi nữa, ông Noda vẫn đang ở những ngày đầu của một vị thủ tướng. Ông và chính phủ có vượt qua được những thách thức trong đối nội cũng như đối ngoại hay không, câu trả lời còn đang ở phía trước.
KHÁNH MINH