(SGGP).– Chiều 25-12, tại Hà Nội, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm Thực trạng và giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém về lề lối làm việc, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ, công chức làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Các đại biểu tham gia tọa đàm nhận định, khi phát sinh yêu cầu bồi thường thì việc xác định trách nhiệm cụ thể thuộc về cơ quan, cá nhân nào là vấn đề phức tạp và khó phân định nhất. Nhiều cán bộ, lãnh đạo các cấp, ngành vẫn còn tư duy “xem xét”, “giải quyết” hơn là “bồi thường, bù đắp, hoàn trả” lợi ích hợp pháp của người dân… làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Một số bất cập cũng phát sinh từ quy định của Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước, chẳng hạn như thủ tục giải quyết bồi thường còn phức tạp; khó xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp “không hành động”, gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Đại diện từ các Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Sở Tư pháp tham gia tọa đàm đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm hạn chế tối đa những nguyên nhân làm phát sinh yêu cầu bồi thường: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự trọng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; rà soát, sửa đổi một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự không còn phù hợp hoặc còn bất cập; chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bồi thường cho người oan sai.
B.An