Nhiều cách làm hay bảo vệ rừng

Để bảo vệ các quần thể gỗ quý hiếm, những đơn vị, địa phương ở Tây Nguyên đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, như: ứng dụng công nghệ GPS, đánh số lên cây… Trong khi đó, nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng suốt thời gian qua, nạn phá rừng, hủy hoại môi trường tại các tỉnh miền Trung dần được hạn chế.
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Theo dõi rừng bằng công nghệ

Đến tiểu khu 267, thuộc lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), mọi con đường vào tiểu khu này đều được lực lượng bảo vệ rừng canh gác, kiểm tra rất kỹ càng. Phía trên trong rừng, các cây gỗ cẩm lai, giáng hương vươn cao hàng chục mét; dưới gốc, rất nhiều cây giáng hương con mọc lên từ hạt của cây mẹ.

Ông Mai Văn Hòa, cán bộ Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết, ngoài việc tuần tra, chốt chặn để bảo vệ nguồn gen quý, đơn vị còn triển khai chương trình giám sát đa dạng sinh học và theo dõi diễn biến rừng bằng công nghệ GPS, Smart. Với việc sử dụng công nghệ này, đơn vị có thể xác định tọa độ từng cây gỗ quý để giám sát, bảo vệ, đồng thời có thể theo dõi được quá trình sinh trưởng của cây. Đơn vị cũng có thể lưu trữ dữ liệu và trích xuất các báo cáo tuần tra, nắm rõ đối tượng bảo vệ và các mối đe dọa.

Trong khi đó, khu rừng đặc dụng Đắk Uy (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) rộng hơn 500ha, nằm bên đường Hồ Chí Minh, là nơi có quần thể gỗ trắc nhiều nhất Tây Nguyên. Đây là loại gỗ quý hiếm nên áp lực giữ rừng rất lớn. Ở vòng ngoài, một tường rào hàng chục kilômét bao quanh rừng gỗ trắc. Vượt qua tường rào này là các lán trại được dựng giữa rừng, làm nơi ăn ở của nhân viên bảo vệ rừng. Theo Bí thư Huyện ủy Đắk Hà Ka Ba Thành, để giữ rừng gỗ trắc, ngoài công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, chủ rừng còn đánh số, giao cho từng cán bộ quản lý từng khu vực, từng loại cây. Nhờ triển khai nhiều biện pháp nên nhiều năm qua, trên lâm phần này không xảy ra vụ khai thác gỗ trắc trái phép. 

Một khu rừng giáng hương cổ thụ hiếm hoi còn lại ở Gia Lai nằm ở lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang). Theo ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, để dễ quản lý, bảo vệ gỗ giáng hương trên lâm phần công ty, ngành chức năng đã tổ chức kiểm đếm, đánh số có tọa độ từng vị trí cụ thể. 

Hưởng lợi dưới tán rừng

Trên đỉnh dốc Cổng Trời, cộng đồng người Bana, Hrê ở xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương canh giữ gần 23.000ha rừng đặc dụng. Ông Đinh Trang (63 tuổi, xã An Toàn) cho biết, mấy năm nay, Nhà nước giao khoán rừng, mỗi hécta rừng đều được trả chi phí để cho các hộ dân giữ rừng. Ngoài ra, khi rừng phát triển tốt, không bị chặt phá, người dân có thể hưởng lợi dưới tán rừng như lấy mật ong, thu lâm sản phụ. Đặc biệt, người dân xã An Toàn từ lâu được Nhà nước hỗ trợ dự án khoanh nuôi, tái sinh loài mây rừng làm lâm sản phụ, cho hiệu quả kinh tế khá. “Mới đây, chính quyền mở thêm dự án trồng cây dược liệu tại rừng An Toàn, việc làm này hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con nên ai nấy đều phấn khởi”, ông Trang cho biết.

Đến khu vực miền núi các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đa số hộ dân có chung nhận định, các chính sách của nhà nước về bảo vệ rừng thời gian qua đã giúp cải thiện đời sống của người dân rất nhiều. Ông Lê Thanh Bừng (ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, trước đây ông và nhiều người khác trong thôn chủ yếu sống nhờ khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Cách đây hơn 5 năm, ông cùng nhóm hộ dân trong thôn Hợp Thượng (xã Hồng Thượng) được giao quản lý, bảo vệ gần 100ha rừng, hưởng chính sách hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng. 

“Ngoài việc được trang bị các dụng cụ phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, các hộ còn nhận hỗ trợ từ 150.000-200.000 đồng/chuyến tuần tra, bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Mỗi năm, kinh phí hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng trên dưới 10 triệu đồng/hộ; tuy không lớn, nhưng giúp người dân mua con giống, cây giống, phân bón… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ nghèo khó, các hộ dần ổn định cuộc sống nhờ chăn nuôi, trồng trọt; kinh tế dựa vào rừng hạn chế”, ông Bừng nói.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng đã trở thành “tai mắt” trong quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm đáng kể, một số nơi trữ lượng rừng đã tăng lên. Mùa hạt ươi năm 2021, các cộng đồng tích cực triển khai công tác ngăn chặn, phân công từng nhóm vào rừng để canh giữ và đảm bảo thu hái hạt ươi theo hướng dẫn của Sở NN- PTNT, không chặt hạ cây ươi nhằm khai thác bền vững nguồn tài nguyên này.

Đắk Lắk là vùng duy nhất trên cả nước còn sót lại khoảng 256 cây thủy tùng (thông nước), tập trung nhiều tại huyện Ea Hleo và Krông Năng. Đây là loài thực vật quý hiếm, xuất hiện cách đây 10 triệu năm (cùng thời khủng long kỷ băng hà).

Trước thực trạng thủy tùng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, mất nguồn gen, UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thủy tùng. Đến nay, số lượng thủy tùng trên địa bàn tỉnh đã được khoanh vùng bảo vệ.

Bên cạnh đó, thủy tùng cũng được Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu, nhân giống thành công và phát triển ra vùng sinh thái khác.

Tin cùng chuyên mục