Nhiều chủ tàu vỏ thép 67 lâm cảnh khốn đốn

Sau chuỗi ngày lao đao, đến nay nhiều chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (tàu 67) ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lần lượt bị ngân hàng khởi kiện. Họ đang lâm vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. 

Từ ông chủ thành… con nợ

Từ năm 2016 đến 2018, Bình Định “dậy sóng” cả nước vì hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng, gỉ sét khi vừa hạ thủy. Là một nạn nhân trong cuộc, lão ngư Đinh Công Khánh (57 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định, chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS) vẫn chưa hết rùng mình.

Trước năm 2015, ông Khánh là chủ của 2 tàu vỏ gỗ với gần 20 lao động thường xuyên bám biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Thời đó, làm ăn rất trúng, ông Khánh xây nhà cao cửa rộng, đời sống sung túc. Tuy nhiên, bi kịch ập đến từ khi ông vay trên 19 tỷ đồng vào năm 2016 (trả trước 5%, vay ngân hàng 95%) để đóng tàu vỏ thép.

“6 năm theo con tàu vỏ thép khiến tôi tán gia bại sản. Hiện, ngoài khoản nợ ngân hàng, tôi còn vay ngoài thêm 700 triệu đồng”, ông Khánh lo lắng.

Cùng cảnh ngộ với ông Khánh, ở cửa biển Đề Gi (xã Cát Khánh) còn có các chủ tàu Thái Văn Duyệt (tàu vỏ thép BĐ 99160 TS), Nguyễn Ngọc Châu (tàu BĐ 99169 TS), Lê Ngô Hát (tàu BĐ 99168 TS), Lê Văn Thãi (tàu BĐ 99016 TS) cũng từng là đại diện tiêu biểu nhất của tỉnh Bình Định tiên phong đóng tàu vỏ thép 67, giờ đang khốn đốn, phải làm thuê khắp nơi để mưu sinh.

Từ chủ sở hữu 3 tàu cá vỏ gỗ, nhà cửa bề thế nhất vùng biển Cát Khánh, bỗng chốc chủ tàu Nguyễn Ngọc Châu trở thành con nợ khốn khó. Tương tự, tại phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định), 2 chủ tàu vỏ thép Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh hiện cũng đã bán hết nhà đất, tàu vỏ thép vẫn chưa trả hết nợ nần. Năm 2019, do bị xã hội đen truy rát vì không trả được nợ, anh Hạo đưa vợ con trốn đi, để lại tàu vỏ thép cho ngân hàng tự xử lý.

Hơn 10 năm trước, ở xã biển Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), ngư dân Phạm Trí Thức còn được mệnh danh là “ông vua” tàu cá, từng được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp biển đảo và đoạt Cúp vàng Thủy sản Việt Nam (2012). Thế nhưng, sau khi đóng con tàu vỏ thép với chi phí 17,8 tỷ đồng, gia đình ông lâm cảnh trắng tay, nguy cơ nhà đất cũng bị cưỡng chế để trả nợ ngân hàng. 

Nhiều chủ tàu vỏ thép 67 lâm cảnh khốn đốn ảnh 1 Được đóng mới đến 21 tỷ đồng theo Nghị định 67, đến nay tàu BĐ 99169 TS trở  thành đống nợ của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu. Ảnh: NGỌC OAI

Trở vào cảng cá Phú Lạc (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), con tàu vỏ thép PY 99993 TS (vốn đóng mới 18,5 tỷ đồng) của ông Đỗ Ngọc Tín cũng đang bị kê biên, xác minh và kiểm kê tài sản để giải quyết nợ quá hạn cho ngân hàng. Hôm rồi, ông Tín bán 1 lô đất 300 triệu đồng để trả bớt nợ nần. Tàu ông Tín là điển hình của 13 chủ tàu 67 ở Phú Yên làm ăn thua lỗ, trong đó hiện có 10 chủ tàu đang bị ngân hàng khởi kiện.

Giải pháp nào cứu giúp ngư dân?

Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 48 tàu 67 trong tình trạng nợ xấu, 35 chủ tàu đã bị ngân hàng khởi kiện (trong đó có 8 tàu vỏ thép, 27 vỏ gỗ). Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười lý giải, nguyên nhân khiến các tàu bị nợ xấu là do đánh bắt không hiệu quả, gặp thiên tai mất hết ngư lưới cụ, tàu bị hư hại, ngư dân chưa quen đánh bắt bằng tàu vỏ thép, ảnh hưởng dịch Covid-19... Ngoài ra, giá hải sản thấp, chi phí quá cao cũng khiến ngư dân cho tàu nằm bờ.

“Hiện, khó khăn lớn nhất là Nghị định 67 lại không có cơ chế xử lý rủi ro do tàu đánh bắt không hiệu quả gây nợ xấu, nên Nhà nước không thể can thiệp giúp các ngư dân được”, ông Mười nói.

Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định, 60 tàu vỏ thép của tỉnh này đang nợ tại các ngân hàng thương mại với số tiền 854 tỷ đồng. Trong đó, có 57 chủ tàu nợ quá hạn với số tiền trên 436 tỷ đồng (nợ tiền gốc 220 tỷ đồng, lãi 215 tỷ đồng); hiện có 39 chủ tàu bị ngân hàng khởi kiện.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết, không mua được bảo hiểm để ra khơi cũng là nguyên nhân khiến tàu nằm bờ, vướng nợ xấu. Ông Bình kiến nghị, các ngân hàng thương mại cần xem xét từng trường hợp để cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, lãi sau để hỗ trợ phần nào cho ngư dân. 

Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định,  Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân mua lại tàu cá là tài sản thế chấp vay vốn theo Nghị định 67. Hiện, trên địa bàn Bình Định, các công ty bảo hiểm đang tạm dừng bán bảo hiểm hoặc bán với mức quá thấp so với kinh phí vay đóng tàu; nhiều tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng vẫn ra khơi đánh bắt, dẫn đến rủi ro cao với việc cấp tín dụng.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến với Bộ Tài chính can thiệp với các công ty bảo hiểm để tháo gỡ vướng mắc”, ông Nguyễn Trà Dương cho biết.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại xử lý rủi ro đặc thù trong quá trình cho vay theo Nghị định 67 để áp dụng chung cho toàn hệ thống ngân hàng.

Nếu thực trạng trên tồn tại càng lâu thì tài sản đảm bảo là con tàu càng nhanh xuống cấp, gây thiệt hại cho cả ngân hàng lẫn ngư dân, mà nợ thì không thu được. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ ngân sách xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại đã dùng nguồn vốn tự huy động để cho vay theo Nghị định 67.

Tin cùng chuyên mục