Các công trình cấp nước sạch, trường học, trạm bơm… ở miền Trung “xây để ngắm” không chỉ lãng phí nguồn vốn ngân sách mà còn trở thành tụ điểm hút chích, chơi bời về đêm của những đối tượng nghiện ngập.
Trường học thành nơi hút chích
Bên cạnh 3 dãy nhà cao tầng, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (TCKT-NN-PTNT) Hà Tĩnh nằm ở trung tâm thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) còn có các hạng mục phụ trợ xây dựng rất kiên cố như: nhà bảo vệ, nhà xe, cổng, tường rào… Thế nhưng, sau khi ngừng hoạt động chẳng ai đoái hoài đã khiến phần lớn các hạng mục này xuống cấp nghiêm trọng. Sân trường um tùm cỏ dại thành nơi chăn thả gia súc và giờ đây trở thành địa điểm lý tưởng để các đối tượng nghiện tiêm chích ma túy, gây hoang mang cho người dân trong vùng.
Trường TCKT-NN-PTNT Hà Tĩnh được xây dựng khang trang nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay
Đại diện UBND thị trấn Xuân An cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển giao cơ sở vật chất và con người từ Trường TCKT-NN-PTNT Hà Tĩnh sáp nhập về Trường Đại học Hà Tĩnh quản lý và tổ chức đào tạo Khoa Nông nghiệp từ năm 2013. Nhưng sau đó thì cả giảng viên và sinh viên Khoa Nông nghiệp lại chuyển về cơ sở đào tạo của Trường Đại học Hà Tĩnh ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) và cơ sở mới ở huyện Cẩm Xuyên. “Ai cũng ngán ngẩm khi ngày ngày tận mắt chứng kiến ngôi trường xây dựng bề thế, khang trang, chiếm diện tích hàng ngàn mét vuông ở vị trí đắc địa, nhưng lại bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng” - vị cán bộ này cho biết.
Tương tự, công trình Trường THPT Mai Kính (ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng bỏ hoang từ nhiều năm nay. Trường gồm dãy nhà 4 tầng, 16 phòng, được khởi công xây dựng từ năm 2010, trên diện tích hơn 34.000m², do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng. Năm 2012, khi hoàn thiện phần thô thì công trình bỗng dừng thi công, rồi “án binh bất động” kéo dài nên nhiều hạng mục xây dựng đã bị hư hỏng. Qua tìm hiểu, do không đủ học sinh nên Trường THPT Mai Kính giải thể theo đề án quy hoạch lại hệ thống trường THPT ở Hà Tĩnh đến năm 2020.
Ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà, cho biết, địa phương đã tính đến phương án chuyển Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị của huyện ra làm việc tại Trường THPT Mai Kính, nhưng xét thấy điều kiện ở đó còn khó khăn, nên thôi. Trước mắt cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Mitraco Hà Tĩnh mượn. Lâu dài, huyện Thạch Hà sẽ chuyển đổi mục đích sử sụng và điều chỉnh để sử dụng công trình một cách hiệu quả.
Khát nước bên công trình nước sạch
Công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn xây mới với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, do Phòng NN-PTNT huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) làm chủ đầu tư với các hạng mục như nhà điều hành, trạm bơm, trạm biến áp và hệ thống kênh mương bằng bê tông dài 2km. Thiết kế để cung cấp nước tưới cho hàng trăm hécta lúa của các HTX nông nghiệp Phú Sơn và Trung Tiến. Song khi bắt đầu đưa vào vận hành, công trình này gặp phải sự cố khi toàn bộ nắp đậy hệ thống kênh mương bị bung, nhiều đoạn kênh vỡ, lún sụt làm nước tưới từ trạm bơm không chảy tới được đồng ruộng mà tràn vào khu dân cư, gây ngập đường giao thông. Ngoài nhà điều hành trở thành chuồng nuôi dê và xung quanh thành điểm tập kết rác thải thì các hạng mục còn lại của công trình trở nên hoang phế, đổ nát.
Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cho hay, công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn không hoạt động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất tại địa phương. Nhiều vụ lúa mất mùa vì thiếu nước tưới khiến đời sống một bộ phận dân cư gặp khó khăn. Nguyện vọng địa phương là cấp trên sớm có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ nước tưới cho sản xuất.
Trong khi đó, công trình cấp nước sạch tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) do Sở NN-PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2013. Nhưng chưa đầy 3 năm sau, công trình đã “đắp chiếu” do nguồn nước ô nhiễm. Ông Nguyễn Tấn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cho biết, công trình xử lý cung cấp nước sạch được đầu tư gần 8 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng địa phương 40%, với diện tích xây dựng 500m2 gồm hệ thống đài nước, bể chứa, bể lọc, hệ thống đường ống, điện… dự kiến đảm bảo cung cấp nước sạch cho 800 hộ dân trong xã. Nhưng sau khi nghiệm thu và đi vào hoạt động được hơn 2 tháng, công trình bắt đầu phát sinh các vấn đề về kỹ thuật và đến nay thì chỉ… để ngắm. “Nước thì nhiễm mặn, cặn bùn đục ngầu nên người dân không dùng được. UBND xã Tam Xuân 2 đã kiến nghị cấp trên thanh lý công trình, để tránh lãng phí” - ông Đồng nói.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt công trình dân sinh bạc tỷ nói trên xây xong rồi bỏ hoang không phát huy tác dụng là do ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã không tính toán, khảo sát kỹ lưỡng trước khi xây dựng. Mặt khác, hầu hết các công trình xây dựng đều sử dụng nguốn vốn ngân sách Nhà nước nên các đơn vị có trách nhiệm rất thờ ơ trong việc sử dụng, vận hành và quản lý công trình.
NHÓM PV
Các tin, bài viết khác
- Trang nghiêm lễ tế Xã Tắc tại cố đô Huế
- Bảo vệ Sơn Trà từ góc nhìn sinh thái nhân văn và phát triển bền vững
- Khẩn trương kiểm tra, làm rõ hoạt động cảng lậu
- Kiến nghị xem xét lại Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà
- Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng kiểm tra thực tế quá tải bệnh viện
- Gắn biển công trình Quốc môn cửa khẩu Nam Giang
- Giống tỏi Lý Sơn trồng ở đất liền đạt hiệu quả kinh tế cao
- Gắn phát triển kinh tế với xúc tiến du lịch biển đảo
- Hà Tĩnh: Tiến hành "lấy lại vỉa hè" cho người đi bộ
- Kiểm điểm các cá nhân tập thể để cảng lậu hoạt động