Theo kế hoạch, trong năm nay hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn TPHCM sẽ lần lượt được khởi công. Có thể nhắc đến những dự án tiêu biểu trong số này như cầu Sài Gòn 2, nút giao thông Thủ Đức, cầu Thủ Thiêm 2…
Ngay trước Tết Nhâm Thìn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã phê duyệt dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2, trong đó xác định đây là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của TP và sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo quy hoạch được duyệt, cầu Sài Gòn 2 có kiểu dáng giống cầu Sài Gòn cũ, nằm song song với cầu hiện hữu và nằm về phía hạ nguồn. Khoảng cách giữa 2 tim cầu Sài Gòn cũ và mới là gần 27m. Cầu Sài Gòn 2 có chiều dài 995m, mặt cắt ngang cầu rộng 23,5m tức là thiết kế cho 6 làn xe cơ giới và thô sơ lưu thông. Điểm đầu cầu thuộc địa giới quận Bình Thạnh, kết nối với đường Điện Biên Phủ còn điểm cuối cầu nằm bên phía quận 2, kết nối với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Cầu Sài Gòn 2 là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực với tuổi thọ thiết kế tối thiểu 100 năm. Tĩnh không thông thuyền của cầu là 9m. Cầu có thể chịu đựng sự va chạm của tàu tự hành 1.000 DWT và sà lan kéo tải trọng 500 DWT.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý 1-2012 và hoàn thành sau 22 tháng, tức là đến giữa năm 2014 sẽ hoàn chỉnh đưa vào khai thác. Chủ đầu tư dự án là một tên tuổi quen thuộc với ngành giao thông vận tải: Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM, trong khi đảm nhiệm vai trò tư vấn thiết kế dự án là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế BR.
Cũng được khởi công trong năm nay là công trình cầu Thủ Thiêm 2. Vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 được xác định nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng đi qua Nhà máy Ba Son - sông Sài Gòn rồi kết nối với trục đường đang được quy hoạch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khi hoàn tất đưa vào sử dụng, cầu Thủ Thiêm 2 đóng vai trò kết nối trung tâm quận 1 với quận 2. Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, nút giao thông ngã tư Thủ Đức ở cửa ngõ phía Đông TP cũng sẽ được mở rộng 34m, gồm 2 đường song hành 12m, hầm kín 81m, cầu vượt dài 376m được bố trí vòng xoay trên cầu vượt... Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án là 1.499 tỷ đồng và sẽ do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư.
Ở cửa ngõ phía Tây, việc xây dựng cầu đường Bình Tiên cũng được tính đến do tầm quan trọng của công trình: Khi đi vào hoạt động hệ thống hạ tầng giao thông này sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Tri Phương và quốc lộ 50 lưu thông về hướng quốc lộ 1A, Long An.
Trong khi đó, ở hướng Đông Bắc, việc xây dựng đường song hành Hà Huy Giáp sẽ có tác dụng giảm tải lưu lượng xe từ Bình Dương về TPHCM qua ngả quốc lộ 13 và cầu Bình Triệu. Năm 2012, TP cũng khởi công các dự án quan trọng khác như cầu Nam Lý, mở rộng và nâng cấp đường Nguyễn Duy Trinh để phục vụ phát triển cảng Phú Hữu, quận 9…
HUY KHÁNH