(SGGP). – Đây là thông tin được ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết trước đề xuất của một số tỉnh thành về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo đó, hiện nay có 14 tỉnh thành đang đề xuất điều chỉnh tăng viện phí, như: Bình Định, Hòa Bình, Điện Biên, Ninh Thuận, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Hà Nội...
Tuy nhiên, việc điều chỉnh viện phí tại các địa phương đều đảm bảo nguyên tắc không vượt khung mà Liên bộ Tài chính - Y tế đã ban hành. Đơn cử, tỉnh Bình Định đề nghị điều chỉnh giá viện phí của hơn 800 dịch vụ từ 60% lên 75% đến 80% khung giá viện phí và một số địa phương khác đề xuất điều chỉnh một số giá dịch vụ nhưng vẫn thấp hơn mức giá tại khung giá tối đa.
Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, việc các địa phương trên đề xuất điều chỉnh tăng viện phí còn phải thông qua HĐND tỉnh quyết định. Đáng lưu ý, mức điều chỉnh tăng viện phí của các tỉnh nhìn chung là phù hợp vì trước đó các tỉnh đều có mức tăng thấp so với khung giá viện phí mà liên bộ ban hành. Hơn nữa, việc điều chỉnh giá viện phí như các địa phương đề xuất không ảnh hưởng tới đối tượng người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và người nghèo. Thậm chí người dân có nhiều thuận lợi hơn khi đi khám chữa bệnh vì nhiều dịch vụ được BHYT chi trả, người bệnh không phải bỏ tiền túi để thanh toán khoản chênh lệch mà trước đó BHYT chưa chi trả.
Dự kiến cuối năm nay, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ áp dụng giá viện phí mới, trong đó tính thêm 2 yếu tố mới là phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành phân loại các phẫu thuật, thủ thuật để áp dụng giá mới.
QUỐC LẬP