Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, sẽ có khoảng 500.000ha đất khó có thể xuống giống hoặc sẽ bị ảnh hưởng do tác động của hạn, mặn. Trong lúc người dân vùng ĐBSCL đang chờ nước xả từ thượng nguồn, bất chấp các cảnh báo, một số nơi vẫn “xé rào” xuống giống vụ hè thu.
Vùng nhiễm mặn chờ nước ngọt
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vừa có thông báo khẩn cho biết trong tháng 4, với tình hình các quốc gia đầu nguồn đang xả đập, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL trong phạm vi cách biển 25 - 40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Để tận dụng nguồn nước ngọt này, đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt. Trong đó, đặc biệt chú ý mở các cống (ở hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít…), các trạm bơm khi nước ngọt xuất hiện lúc mực nước vừa và thấp. Khi lấy nước, các địa phương cần kiểm tra độ mặn của nguồn cấp.
Về nguồn nước thủy điện, GS-TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đánh giá: “Với lưu lượng 2.190m3/giây là rất nhỏ, tác dụng đến việc chống hạn, đẩy mặn ở ĐBSCL là rất hạn chế. Mặt khác, lưu lượng nước nói trên còn phải đi qua 1 chặng đường dài, qua các quốc gia đang rất “khát nước” như Lào, Thái Lan, Campuchia, khi về tới ĐBSCL cũng tổn thất rất nhiều”. Tương tự, TS Dương Văn Ni, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường (khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ) phân tích: “Đầu mùa mưa, nước sông Mê Công chủ yếu chảy vào Biển Hồ, một số rất ít chảy xuống ĐBSCL, đến khi gần cuối mùa mưa thì Biển Hồ đã chứa đầy nước và lúc này lượng nước trên sông Mê Công mới chảy nhiều về ĐBSCL”. TS Dương Văn Ni khuyến cáo, việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công sốt sắng xả nước thủy điện là một động thái tích cực, nhưng không nên trông đợi lượng nước đó sẽ cứu hạn, mặn cho ĐBSCL. Các địa phương cần thận trọng đánh giá tình hình, đưa ra những khuyến cáo cụ thể để nông dân tuân thủ tốt lịch thời vụ, tránh trường hợp nóng vội xuống giống sớm mà chịu nhiều rủi ro.
Nông dân ở một địa phương đang xuống giống vụ hè thu. Ảnh: CAO PHONG
Chuyển dịch hợp lý cây trồng, vật nuôi
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngày 17-2 với các tỉnh ĐBSCL về ứng phó với hạn, mặn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho ngành nông nghiệp lùi thời hạn gieo sạ vụ hè thu tới đầu mùa mưa; ngoài ra, nơi nào không có đủ nước ngọt thì không nên làm lúa và ở những vùng ven biển chỉ nên tập trung nuôi trồng thủy sản. GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng: “Nước mặn cũng là tài nguyên, nên cần quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đối tượng để chuyển dịch cơ cấu là con tôm hoặc một ít cây trồng giá trị cao hơn lúa nhưng ít đòi hỏi lượng nước ngọt vẫn đang khan hiếm, như cây xoài trên đất giồng ven biển. Còn trồng cây gì hoặc nuôi con gì phải theo tín hiệu thị trường và có doanh nghiệp nắm được tín hiệu đó”.
Trong khi các địa phương đang tích cực khuyến cáo nông dân chuyển đổi sản xuất, thì tình trạng “xé rào” xuống giống lúa hè thu sớm lại đang xảy ra vùng ở bán đảo Cà Mau. Trong đó, phổ biến nhất là nông dân “xé rào” xuống giống khoảng 1.000ha/huyện, có địa phương nông dân xuống giống đến 8.000ha lúa hè thu. Một nông dân ở bán đảo Cà Mau cho biết: “Giá lúa đang tăng mạnh, nông dân cũng nôn nóng. Phần cũng nghe thông tin một số đập thủy điện nước xả, hy vọng nguồn nước sẽ đổ về ĐBSCL”. Đây là lý giải chung nhất cho tình trạng nông dân đang đánh liều, “xé rào” xuống giống lúa hè thu sớm, bất chấp cảnh báo lịch thời vụ địa phương đưa ra.
| |
HÀM LUÔNG - CAO PHONG