Nhiều doanh nghiệp chưa “mặn” với đổi mới công nghệ

Đổi mới sáng tạo là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên cho đến nay hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam mà theo đánh giá của các chuyên gia thì vẫn còn rất hạn chế và nhiều doanh nghiệp cũng ngại đầu tư vào phát triển sản phẩm.

Đổi mới sáng tạo là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên cho đến nay hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam mà theo đánh giá của các chuyên gia thì vẫn còn rất hạn chế và nhiều doanh nghiệp cũng ngại đầu tư vào phát triển sản phẩm.

Một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi có kết hợp phỏng vấn sâu với hơn 100 doanh nghiệp trong tháng 9-2013 của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA đã nhận được những kết luận khá lý thú: Doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng xem việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là một yếu tố then chốt nhất trong hành trình phát triển đơn vị nhưng lại không mấy doanh nghiệp đủ sức đầu tư và theo đuổi một cách bài bản, dài hạn câu chuyện này. Chỉ có chưa đến 20% trong số 180 doanh nghiệp tham gia khảo sát có tổ chức bộ phận R&D mà theo họ là đủ khả năng để “sáng tạo” ra những cú đột phá mới của doanh nghiệp. Phần lớn còn lại đều là những thành viên kiêm nhiệm và nguồn năng lượng chủ lực của đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp.

 Ngay cả việc tiếp cận các giải pháp công nghệ mới - vốn được xem là khá rầm rộ với nhiều hội chợ, công ty chào hàng… cũng còn là điểm lúng túng của doanh nghiệp Việt Nam. Một thống kê của Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo (IPP) liên kết giữa Việt Nam và Phần Lan cũng cho thấy, đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 20% - 30% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là con số quá ít so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước.

Nhiều chuyên gia đã nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt Nam tuy có nhận thấy được sự cạnh tranh, nhưng không biết hướng đi như thế nào. Đây là điểm yếu hết sức nguy hiểm. Quản trị giúp hạ giá thành, công nghệ giúp hạ giá thành, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm. Cách cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không sòng phẳng, cạnh tranh chủ yếu bằng quan hệ, bằng thế chứ không phải bằng năng lực quản trị hay công nghệ. Phải nhận thức rằng cạnh tranh bằng quản trị cũng quan trọng không kém cạnh tranh bằng công nghệ.

Ví dụ như tình trạng giao thông ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá chỉ cần điều tiết tốt chứ chưa cần đầu tư thêm công nghệ, đã có thể giảm 30% tình trạng kẹt xe hiện nay tại Việt Nam. Có thể thấy rằng, hiện nay, doanh nghiệp trong nước thường không xem trọng việc đưa ra các ý tưởng để đổi mới sáng tạo bởi điều đó thường cần phải có thời gian dài để nghiên cứu và thử nghiệm trước khi cho ra kết quả.

Mặt khác, nguồn kinh phí cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng là vấn đề của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, muốn có những ý tưởng đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp cần phải có kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ của đất nước và là địa chỉ để ứng dụng những kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu khoa học trên cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ hết sức coi trọng vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tinh thần khoa học, dám ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và nước ngoài để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Với sự phát triển của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và sắp tới nếu Quỹ đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia đi vào hoạt động, chắc chắn nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp triển khai những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

HỒNG HÀ

Tin cùng chuyên mục