Nhiều doanh nghiệp lảng tránh thưởng tết

* TPHCM: mức cao nhất 376 triệu đồng/người

* TPHCM: mức cao nhất 376 triệu đồng/người

Cuối năm, người lao động ở đâu cũng nóng lòng trông chờ tiền thưởng tết. Hầu như năm nào Bộ LĐTB-XH cũng đưa ra những báo cáo về tình hình thưởng tết của các loại hình doanh nghiệp trong cả nước, trong đó có những mức tiền nghe mà thèm như “thưởng tết hơn 300 triệu đồng”, “cao nhất gần 400 triệu đồng”... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại lảng tránh tiền thưởng tết cho người lao động.

Không muốn báo cáo thưởng tết

Mặc dù cách đây hơn 1 tháng, Bộ LĐTB-XH đã có văn bản gửi Sở LĐTB-XH các tỉnh yêu cầu tất cả loại hình doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo kế hoạch thưởng tết năm 2011 cho người lao động, hạn chót ngày 20-12 các thông tin phải chuyển về bộ (còn thời hạn để doanh nghiệp phải báo cáo sở là 17-12) nhưng tới nay, thời hạn đã trôi qua gần 1 tuần, vẫn chưa có nhiều địa phương nhận được báo cáo từ các doanh nghiệp.

Thông tin từ các địa phương cho biết, hiện mới chỉ có Sở LĐTB-XH 5 tỉnh TP: Đà Nẵng, TPHCM, Cà Mau, Khánh Hòa và Thanh Hóa sơ bộ nhận được báo cáo thưởng tết của các doanh nghiệp, một số sở đã làm báo cáo để gửi lên Bộ LĐTB-XH. Trong đó, Sở LĐTB-XH Đà Nẵng là một trong những đơn vị sớm gửi báo cáo tình hình lương và thưởng tết cho người lao động tại doanh nghiệp.

Sở LĐTB-XH Hà Nội cho biết, hiện cũng đã hình thành được bản tổng hợp song chưa đầy đủ so với lượng doanh nghiệp khổng lồ đóng trên địa bàn. Sở LĐTB-XH Quảng Ngãi cho biết, trong hơn 2.000 công văn chuyển cho doanh nghiệp, hiện mới có 15 doanh nghiệp trả lời. Ở miền Bắc, hàng loạt tỉnh có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc… vẫn chưa hề có báo cáo.

Được biết, nguyên nhân chậm trễ là do các doanh nghiệp không muốn công khai mức tiền thưởng tết, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không có tiền thưởng tết cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Nội, trên địa bàn có hàng ngàn doanh nghiệp nhưng cho tới thời điểm này, có rất ít doanh nghiệp nộp báo cáo tổng hợp về tình hình lương, thưởng tết. Ông cho biết, tình trạng doanh nghiệp không chịu báo cáo tiền thưởng tết hoặc không có tiền thưởng tết cho công nhân không phải là mới.

“Ngay cả đóng bảo hiểm xã hội mà nhiều doanh nghiệp còn trốn, rồi nhiều doanh nghiệp quỵt cả tiền lương của công nhân thì nói chi tới tiền thưởng tết”, ông Hùng nói.

Theo Bộ LĐTB-XH, đây không phải là lần đầu tiên mà hầu như năm nào, các tỉnh cũng nộp báo cáo muộn so với yêu cầu, do phải chờ báo cáo tổng hợp của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc các doanh nghiệp không chịu thưởng tết cho người lao động.

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và tiền lương (Bộ LĐTB-XH), thừa nhận, hiện nay trong luật lao động cũng như hoạt động doanh nghiệp không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo tiền thưởng tết hoặc phải thưởng tết cho người lao động.

Tuy vậy, về cuối năm, Bộ LĐTB-XH vẫn có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo tiền thưởng tết thông qua các Sở LĐTB-XH của địa phương để Bộ LĐTB-XH nắm được tình hình tiền lương, thu nhập thực tế, từ đó đưa ra các chính sách điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn.

Thưởng tết: bức tranh bề nổi

Hiện nay, đang có thông tin ban đầu về tiền thưởng tết của các địa phương như Đà Nẵng, TPHCM ở mức khá cao. Trong đó, ở Đà Nẵng mức cao nhất là 244 triệu đồng, còn TPHCM là 376 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân, với tình hình như năm nay, nhìn chung mức tiền thưởng tết sẽ không cao bằng mọi năm.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng, các mức tiền thưởng như trên không phản ánh được mặt bằng thưởng tết chung cả nước. Bởi để có cái nhìn toàn diện, cần phải có đủ báo cáo của các địa phương gửi về và phải căn cứ trên mức thưởng tết trung bình. Thông thường, doanh nghiệp nào làm ăn có lãi mới báo cáo, còn rất nhiều trường hợp lao động không có thưởng tết.

Thêm nữa, theo kinh nghiệm các năm trước thì chỉ có khoảng 5%-6% doanh nghiệp có báo cáo về thưởng tết. Do đó, các mức tiền thưởng đưa ra chỉ có tính chất “đại diện”, chứ không thể hiểu là đời sống người lao động, mức tiền thưởng tết nói chung đã được cải thiện, vì vẫn có nhiều người lao động không nhận được tiền thưởng tết hoặc mức tiền thưởng quá thấp. Như năm ngoái có doanh nghiệp ở Nam Định chỉ thưởng… 50.000 đồng.

Ở Đà Nẵng, năm nay mặc dù mức tiền cao nhất lên tới 240 triệu đồng nhưng lại chênh với mức tiền tết thấp nhất 500 lần. Tết năm 2010, mức thưởng cao nhất cả nước là 389 triệu đồng/người, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng tại TPHCM. Còn năm nay, cũng trên địa bàn TPHCM, mức cao nhất chỉ có 376 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, như vậy là giảm đi, trong khi mặt bằng giá cả đã tăng lên. Đặc biệt năm nay các doanh nghiệp FDI sẽ không có mức tiền thưởng tết cao.

Ông Mai Đức Chính nói: “Theo tôi được biết, có tới 60% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ. Vì thế các doanh nghiệp FDI khó có tiền thưởng cao được”. Thậm chí theo Sở LĐTB-XH, nhiều doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ còn đang tính sẽ trả thưởng cho công nhân bằng sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, có lãi, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, nên chia sẻ với người lao động bằng tiền thưởng tết. “Nếu không thưởng tết xứng đáng, người lao động sẽ nhảy việc. Ra tết, họ sẽ không quay trở lại và các doanh nghiệp lại lâm vào cảnh khát lao động trầm trọng”, bà Hương cảnh báo.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục