Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xe buýt chuyển từ sử dụng xe chạy bằng xăng, dầu sang xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG để bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí mà Báo SGGP đã đưa tin, có một thông tin vui khác nữa. Đó là nhiều DN trên địa bàn TPHCM, hoàn toàn không kinh doanh vận tải song vẫn chủ động chuyển sang sử dụng loại xe chạy bằng khí CNG.
Tiêu biểu là khoảng 600 ô tô dùng trong hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí nén CNG. Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc PV Gas South - đơn vị được Tập đoàn Dầu khí VN giao nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi và cung cấp nhiên liệu CNG cho các đơn vị thành viên của tập đoàn cho biết: “Việc chuyển sang sử dụng khí CNG cho các xe là hết sức cần thiết vì khí CNG rẻ hơn từ 30%-50% so với giá xăng, dầu. Thế nhưng, đó mới là một mặt của vấn đề. Quan trọng hơn nữa, đây là một quyết định mang tính xã hội cao của tập đoàn. Tập đoàn muốn làm một việc cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường”.
Sau Tập đoàn Dầu khí, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết nhiều DN khác cũng muốn chuyển đổi xe của đơn vị từ sử dụng xăng, dầu sang sử dụng khí CNG để bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Vấn đề còn lại hiện nay là một hệ thống cung cấp khí CNG tiện lợi cho các phương tiện. Nếu hệ thống cung cấp khí cũng rộng khắp và nhiều như hệ thống cung cấp xăng, dầu hiện nay thì số DN và người dân chuyển sang sử dụng loại năng lượng này sẽ còn nhiều hơn nữa.
Thực tế cho thấy, tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Trước đây, hạ tầng vận chuyển khí CNG chỉ có thể vận chuyển bằng đường ống, nhưng 2 năm trở lại đây khi công nghệ phát triển, khí CNG có thể vận chuyển bằng xe chuyên dụng tương tự xe bồn. Cải tiến này đã giúp việc triển khai sử dụng khí CNG thay thế xăng dầu nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều.
TH.ĐĂNG