Nhiều dự án nuốt rừng thông ở Kon Tum

Dự án chuyển đổi rừng thông sang trồng mắc ca được triển khai khi tỉnh Kon Tum chưa có quy hoạch phát triển chi tiết loại cây này. Ngoài trồng mắc ca, còn có nhiều dự án khác đang triển khai đã nuốt hàng trăm hécta rừng thông.
Rừng thông bị phá để thực hiện dự án nông nghiệp
Rừng thông bị phá để thực hiện dự án nông nghiệp
Chưa quy hoạch đã trồng
Liên quan việc tỉnh Kon Tum cho Công ty TNHH Đăng Vinh chuyển đổi 198ha rừng và đất lâm nghiệp sang trồng mắc ca tại tiểu khu 481, xã Đắk Long (huyện Kon Plông), ông Trần Việt Cường, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở NN-PTNT khẳng định, hiện nay tỉnh Kon Tum chưa có quy hoạch chi tiết trồng cây mắc ca. Theo tìm hiểu, dự án trồng mắc ca của Công ty Đăng Vinh được chấp thuận trong lúc tỉnh vẫn còn nghi ngại về loại cây này. Tại văn bản 754/UBND-KTN ngày 21-4-2015, UBND tỉnh Kon Tum nêu rõ: Cây mắc ca là loại cây trồng mới, hiện đang được trồng khảo nghiệm trên cả nước và Bộ NN-PTNT chưa có quy hoạch phát triển.
Do đó, để phát triển mắc ca hiệu quả, tránh hiện tượng trồng tự phát tại các vùng không thích hợp gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mắc ca và hạn chế các rủi ro kinh tế, đời sống người dân, đề nghị Sở NN-PTNT triển khai một số nội dung, trong đó phối hợp với UBND huyện, TP tuyên truyền, khuyến cáo người dân về các yêu cầu, đặc tính của dòng cây mắc ca để người dân hiểu, có định hướng phát triển phù hợp; không trồng tự phát cây mắc ca khi chưa có quy hoạch chi tiết về phát triển mắc ca hoặc ý kiến của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, 4 tháng sau khi ra văn bản 754, chính UBND tỉnh Kon Tum lại ra Quyết định 607/QĐ-UBND về chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Đăng Vinh với dự án đầu tư trồng cây mắc ca. Tháng 1-2017, tỉnh ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho công ty này thuê đất để thực hiện dự án. Rõ ràng dự án trồng mắc ca của Công ty Đăng Vinh được chấp thuận và triển khai khi chưa có quy hoạch chi tiết phát triển mắc ca, đi ngược một phần nội dung của văn bản 754. 
Thêm một luận cứ chứng minh sự lo ngại của các chuyên gia về dự án, đó là Báo cáo 187/BC-SNN ngày 30-5-2017 của Sở NN-PTNT Kon Tum nêu rõ, tổng diện tích mắc ca trên địa bàn là hơn 146ha, theo kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp vào năm 2016 cho thấy, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển kém đến trung bình. Từ thực tế trên, sở chưa thể đánh giá hiệu quả của cây với các cây trồng khác của tỉnh. Sở NN-PTNT Kon Tum đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét chưa thực nhân rộng sản xuất mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong giai đoạn năm 2017 - 2020, cần có sự đánh giá và kết luận chắc chắn về khả năng phát triển cây mắc ca ở tỉnh Kon Tum để phát triển giai đoạn từ năm 2030. 
Phá rừng thông… trồng sim, nuôi bò
Theo đại diện của Sở NN-PTNT Kon Tum, diện tích rừng thông trên địa bàn Kon Plông là trên 2.000ha. Trong đó, tỉnh có chủ trương định hướng khai thác 800ha rừng thông, phần còn lại để tạo cảnh quan. Hiện tỉnh đã cho chuyển đổi 312/800ha rừng thông. Ngoài dự án trồng mắc ca của Công ty Đăng Vinh, các dự án “nuốt” rừng thông đã cho chuyển đổi là dự án bảo tồn sim rừng và xây dựng nhà máy chế biến rượu vang sim của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn; dự án trồng rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông; dự án bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống trồng, phát triển dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP dược liệu và thực phẩm Măng Đen.
Diện tích rừng thông chuyển đổi không nằm tập trung mà trải dài. Có dự án nằm dọc quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi, cách thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) khoảng 14km, cũng có dự án nằm “sát nách” thị trấn Măng Đen. Từ Khách sạn Hoa Sim (trung tâm thị trấn Măng Đen) di chuyển khoảng 3km theo hướng vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2 bên đường rừng thông bị phá trắng xóa. Còn phía bên phải con đường là một số vạt rừng thông đã bị đốn hạ, một số khoảnh còn chừa lại nhưng thông đã chết đứng. Phía bên trái đường cũng là khu vực rừng thông đã bị “cạo trọc”, chủ đầu tư cho máy vào đào bới gốc thông, san ủi trắng một vùng.
Việc rừng thông bị phá khiến nhiều người tiếc nuối, nhất là những người làm du lịch. Ông Phạm Phúc, hướng dẫn viên du lịch ở Gia Lai cho biết, ông hay dẫn nhiều đoàn khách từ TPHCM và Hà Nội lên huyện Kon Plông tham quan. Sở dĩ vùng Măng Đen (Kon Plông) được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai bởi có nhiều nét na ná: độ cao tương đương, khí hậu mát mẻ và những cánh rừng thông đẹp. “Du lịch Măng Đen không phải là điểm vui chơi, giải trí như Đà Lạt, Nha Trang. Măng Đen không có sản phẩm du lịch gì nổi bật. Khách đến Măng Đen là để tìm hiểu vùng đất, tận hưởng khí hậu mát mẻ. Phá rừng thông sẽ làm mất cảnh quan, khách du lịch sẽ không còn đến vùng đất này nữa”, ông Phúc nói.

Tin cùng chuyên mục