Thị trường bán lẻ
Bán lẻ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực thì bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Việc đạt mốc dân số 90 triệu dân, Việt Nam đã và đang là một thị trường tiềm năng rất lớn, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư.
Bán lẻ hiện đại tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 22% trên cả nước (TPHCM 38% - 40%, Hà Nội 13% - 14%) và là kênh tiêu dùng ngày càng quan trọng… Việt Nam hiện tại có khoảng 750 siêu thị, khoảng 130 trung tâm thương mại, khoảng 9.000 chợ các loại, trong đó chợ thành thị chiếm 22%; chợ nông thôn chiếm đến 78% so với tổng số chợ của cả nước. Sau 6 năm gia nhập WTO, thị trường bán lẻ của Việt Nam đa dạng và ngày hiện đại hơn. Ngoài các kênh bán lẻ trong nước khá phát triển như Co.op Mart, Maximark, Citimart, Vinatexmart… Các đại gia phân phối - bán lẻ nước ngoài như Metro Cash & Carry, Big C, Parkson, Diamond Plaza, Lotte, Circle K (Mỹ), Zen Plaza, Family Mart, Ministop, AEON… đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Và trong tương lai, dự kiến những tên tuổi nổi tiếng như Wal-Mart (Mỹ), Auchan (Pháp)… cũng sẽ vào Việt Nam.
Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP của cả nước ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế ở Việt Nam, tính đến nay ngành bán lẻ đóng góp 15% GDP của Việt Nam. Các dự án FDI vào ngành công nghiệp bán buôn - bán lẻ Việt Nam tiếp tục tăng qua các năm. Theo AVR, trong 9 tháng đầu năm 2013, có 168 dự án FDI của ngành bán buôn - bán lẻ cả đăng ký mới và tăng vốn đầu tư, với tổng giá trị đầu tư cam kết trên 380 triệu USD (đứng thứ 4 trong ngành thu hút đầu tư FDI). Theo đó, lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ cũng tăng lên, hiện đứng thứ 3, chỉ sau ngành nông-lâm-thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với hơn 5,5 triệu người.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngoài yếu tố “vàng” tiêu dùng của 90 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi chiếm đa phần là người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm ngày càng cao và đa dạng, thái độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam khá cao. 70% thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam dành cho mua sắm, thông qua kênh bán lẻ. Kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn ở mức khá thấp, bán lẻ hiện đại tại Philippines hiện chiếm 33%, Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%; Malaysia 60%, Singapore 90%… Ở các nước phát triển, dựa vào các tiêu chí, thông số để đầu tư phát triển các kênh, hệ thống bán lẻ hiện đại. Mức thông thường thì 100.000 người dân sẽ có một trung tâm thương mại lớn, 10.000 người dân sẽ có một siêu thị và 1.000 người dân sẽ có từ 1-3 cửa hàng tiện lợi. So với tiêu chí trên, bán lẻ hiện đại ở Việt Nam sẽ còn rất lâu mới đáp ứng được tiêu chí.
Việt Nam thực hiện đúng lộ trình mở cửa
Kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ, dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam. Ảnh hưởng khó khăn của kinh tế, sức mua giảm sút, hàng tồn kho nhiều, hàng gian, hàng giả bủa vây… đã ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, trong hơn 11.000 doanh nghiệp vừa hoạt động trở lại thì có đến 4.600 doanh nghiệp ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, ô tô, xe máy… Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thị trường bán lẻ, nhất là cho mùa mua sắm cuối năm.
Dù thị trường đang gặp nhiều khó khăn, kênh bán lẻ ở các chợ truyền thống vẫn được nhận định còn “sống tốt” trong thời gian tới. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận xét tại Việt Nam hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 22%, còn lại 78% là kênh bán lẻ truyền thống. Trong khi đó, 70% dân số của Việt Nam sống ở nông thôn, vì vậy, dù tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại có phát triển mạnh đến mức nào thì ít nhất trong 10 năm tới bán lẻ truyền thống vẫn có chỗ đứng và vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh, kênh bán lẻ truyền thống buộc phải thay đổi chất lượng.
Việt Nam đã mở cửa thị trường với cả 4 loại hình dịch vụ phân phối gồm bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại và đang thực hiện đúng với lộ trình cam kết WTO. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Việt Nam không có chính sách phân biệt giữa bán buôn và bán lẻ. Điểm khác hiện nay là doanh nghiệp bán buôn không bị kiểm tra về nhu cầu kinh tế khi quyết định mở điểm bán ở bất cứ nơi đâu tại Việt Nam. Còn doanh nghiệp bán lẻ buộc phải có kiểm tra về nhu cầu kinh tế (ENT) ở điểm định mở. Thông tư 08/2013/TT-BCT của Bộ Công thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Các điểm quan trọng liên quan đến lĩnh vực bán lẻ: Điều 5 về thực hiện quyền phân phối; Điều 7 về lập cơ sở bán lẻ.Việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất: căn cứ vào việc kiểm tra ENT của địa bàn nơi đặt cơ sở bán lẻ. Cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m² không cần xin phép. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng ENT.
Theo Bộ Công thương, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, (cần thêm 550 điểm so với hiện tại); 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm (cần thêm gần 200 trung tâm so với hiện tại). Với những gì đang có thì thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
NGUYỄN HỮU