Tổng số lượng heo của cả nước vẫn còn khoảng 24-25 triệu con

Giá thịt heo đang tăng vù vù, nhiều gia đình còn không dám mua thịt heo về ăn, phải chuyển sang các loại gia cầm. Trong khi Bộ NN-PTNT khẳng định, lượng thịt heo bị thiếu hụt chỉ khoảng 200.000 tấn, còn các nguồn khác dự báo con số 500.000 tấn. 

Nhiều địa phương trong cả nước đang thiếu thịt heo vì “đại dịch” tả heo châu Phi quét qua từ hồi tháng 3-2019 đến nay. Trong khi hiện lại đang bước vào mùa cưới, liên hoan, lễ hội… nên nhu cầu thực phẩm tăng, càng khiến giá thịt heo tăng nhanh. 

Khoảng 1 tháng nay, giá heo tại nhiều địa phương bắt đầu tăng mạnh khi nguồn cung “cạn”, khiến người tiêu dùng lo ngại vì có thể tiếp tục khan thiếu thịt heo vào dịp cuối năm, giá càng tăng hơn. 

Hiện nay, giá thịt heo đang tăng cao từng ngày, khiến người tiêu dùng rất lo ngại, hạn chế mua

Ở nhiều vùng quê, những gia đình nghèo hiện đang phân vân, không dám mua thịt heo nhiều vì giá đắt, phải chuyển sang các loại thực phẩm vẫn có giá cả ổn định hơn, như thịt gà, thịt vịt, các loại cá... 

Trong khi đó, tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi hoành hành trong năm 2018 và đầu năm 2019 đang đẩy giá heo “phát sốt” ở ngay thời điểm hiện tại, có nơi giá heo hơi (heo sống) đã tăng tới hơn 100.000 đồng/kg. 

Chiều tối 14-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý 4-2019 và nhiều câu hỏi được nêu ra xoay quanh tình trạng đáng lo ngại này. 

Cuộc họp báo chiều tối 14-10 nóng về lo ngại giá thịt heo tăng cao

Thông tin tại cuộc họp báo, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, tính đến ngày 14-10, giá thịt heo bình quân ở miền Bắc đã tăng cao nhất lên tới 63.000 đồng/kg (trong khi những tháng của quý 2, giá heo rớt xuống chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg).

Tại miền Trung, giá bình quân là 50.000-57.000 đồng/kg. “Hai khu vực trọng điểm nuôi heo là Hà Nội và Đồng Nai, đến chiều 14-10, giá bán heo hơi là 59.000 đồng và 62.000 đồng/kg”- ông Trọng cho biết. 

Nhiều người lo ngại con số dự báo khoảng 200.000 tấn thịt heo có thể thiếu hụt vào dịp cuối năm, cũng như số lượng heo bị chết và phải tiêu hủy bởi dịch tả heo châu Phi suốt 7 tháng qua (ước khoảng 5 triệu con) có thể không đúng, thực tế còn lớn hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng khẳng định rằng, đến thời điểm này, đã có 56 tỉnh, thành phố báo cáo về sản lượng, số lượng heo đang có, để đáp ứng cho thị trường. Theo đó, tổng đàn heo tại 56 địa phương là trên 22 triệu con. Nếu cộng thêm số lượng của 7 tỉnh nữa chưa báo cáo thì tổng số lượng heo của cả nước vẫn còn khoảng 24-25 triệu con. “Đây là số liệu thực tế”- ông Trọng nói. 

Về lo ngại giá thịt heo trong nước đang tăng cao, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu nhập khẩu thịt heo tại Trung Quốc lại đang rất lớn, giá tăng lên mức rất cao, do nước này cũng bị dịch tả heo châu Phi hoành hành, gây “khủng hoảng” thực phẩm, dẫn tới tình trạng thịt heo từ Việt Nam sẽ “chạy” sang Trung Quốc. 

Nhưng ông Trọng khẳng định, hiện Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu theo đường chính ngạch, không còn tiểu ngạch, nên thịt heo Việt Nam không thể xuất sang Trung Quốc.

Để bù đắp và ổn định nguồn cung cho thị trường, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hai hội nghị triển khai, thúc đẩy chăn nuôi thịt bò và gia cầm… bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt. 

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sẽ không để xảy ra thiếu thực phẩm, không để giá thịt heo tăng cao. Hiện nay, các nguồn thực phẩm thay thế, bù đắp cho thịt heo đều tăng đáng kể, trong đó thịt bò đã tăng thêm 42%, thịt gia cầm tăng hơn 13%, thủy sản tăng 60,2%...  Trong trường hợp cần thiết thì sẽ nhập khẩu để bình ổn giá cả.  

Tin cùng chuyên mục