Người dân sẽ được cấp giấy phép lái xe theo kiểu mới, song sâu hơn, triển khai tập trung đồng bộ dữ liệu giấy phép lái xe (GPLX) mới, mới thực sự là bước chuyển quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa quản lý ngành giao thông vận tải, từ kiểm soát, quản lý thực hiện thủ công sang sử dụng hệ thống trên nền ứng dụng CNTT.
Để thực hiện việc này, song song với việc xây dựng hệ thống, từ cuối tháng 3-2012, gần 1.100 công chức đến từ 63 Sở GTVT, gần 700 cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch đã được đào tạo tập trung tại Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nha Trang, TPHCM và Cần Thơ. Đây là một phần trong dự án Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý GPLX do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) thực hiện cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ tháng 6-2011.
Dự án gồm 12 phần mềm nhằm tin học hóa tập trung toàn bộ công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, kiểm soát sử dụng GPLX ở cả 3 cấp: cơ sở, Sở GTVT và Trung ương. Dự án này hội tụ nhiều công nghệ hiện đại, phức tạp như thu nhận trực tiếp dữ liệu đăng ký cấp GPLX, xác thực chữ ký điện tử, mã hóa thông tin ảnh chân dung in trên GPLX, in GPLX sử dụng công nghệ in Dye sublimation re-transfer, quản lý sử dụng GPLX qua SMS...
Theo ông Tạ Bảo Trung, Phó Giám đốc Trung tâm FSE-SOFT- Công ty FPT IS FSE đơn vị trực tiếp xây dựng hệ thống phần mềm (thuộc FPT IS), chọn Đà Nẵng và Bắc Ninh để triển khai thí điểm cấp GPLX mới bởi hai tỉnh này đã tự xây dựng hệ thống phần mềm tin học hóa công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại địa phương, đáp ứng khá tốt nhu cầu thực tế đối với GPLX hiện tại. “Triển khai thí điểm tại những đơn vị này để chứng minh tính ưu việt của hệ thống, đồng thời cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, phản biện chính xác, hữu ích từ phía người sử dụng”, ông Trung cho biết thêm.
Trước đây, dữ liệu không được đồng bộ giữa các sở GTVT và Trung ương nên rất khó kiểm tra, giám sát. Nay, với phần mềm này, ngay từ khâu thu nhận hồ sơ, dữ liệu đã được đối chiếu với cơ sở dữ liệu của tỉnh thành khác hoặc với Trung ương, đảm bảo tính duy nhất, phát hiện trùng lặp, gian dối trong việc xin cấp đổi, cấp lại GPLX đến hạn đổi hoặc mất, hư hỏng… Ngoài ra, việc đối chiếu khi phê duyệt và trước khi in GPLX, áp dụng chữ ký số, ứng dụng các yếu tố bảo mật sẽ tránh được tình trạng làm giả GPLX.
“Đây là một dự án có ý nghĩa xã hội rất lớn, đối với FPT IS, việc xây dựng và triển khai thành công phần mềm xây dựng hệ CSDL quản lý GPLX sẽ góp phần khẳng định năng lực xây dựng và triển khai các dự án phần mềm có hàm lượng công nghệ cao”, ông Tạ Bảo Trung khẳng định. Không chỉ vậy, với các giá trị mang lại bước đầu, tại buổi họp nghiệm thu giai đoạn 1 của dự án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, đánh giá đây là một dự án lớn, có ý nghĩa kinh tế xã hội, ảnh hưởng tới toàn dân, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.
T. BA