Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất được xem là giải pháp phát triển xanh, bởi nó góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực an ninh năng lượng và đặc biệt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Chính vì thế, những doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này sẽ có cơ hội nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Ong Shinichi Itou, Giám đốc điều hành bộ phận các giải pháp môi trường, Công ty Hibiya Engineering (Nhật Bản), cho biết việc thực hiện kiểm toán năng lượng các doanh nghiệp là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn tốt cho môi trường. Trên thực tế, để làm được việc này, Nhật đã ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp. Chẳng hạn một doanh nghiệp sử dụng hơn 1.500 lít dầu tương đương cho tất cả các nhà máy thì doanh nghiệp đó phải tiến hành các bước cần thiết cho việc quản lý năng lượng. Khi đó, những doanh nghiệp này phải lập tức bổ nhiệm người kiểm soát quản lý năng lượng cho từng nhà máy; nộp báo cáo định kỳ và kế hoạch trung, dài hạn cho cơ quan quản lý để kiểm tra.
Chia sẻ về những giải pháp kiểm toán năng lượng, ông Kenzo Tsutsumi, Chủ tịch Veglla Laboratories, cho biết các ưu thế của việc kiểm toán năng lượng là cải thiện sự vận hành (bao gồm tắt những hoạt động chiếu sáng không cần thiết, chuyển sang dùng inverter làm mới chiếu sáng với hiệu suất cao); giảm việc tiêu hao năng lượng… Để thực hiện tốt việc này, các doanh nghiệp phải nắm bắt tình trạng hiện thời, sự tiêu thụ năng lượng, điều kiện thiết bị, hành vi sử dụng năng lượng… So sánh với các doanh nghiệp tương tự để biết được doanh nghiệp mình thực hiện như thế nào, từ đó lên kế hoạch trang bị thêm, quyết định phương pháp chi tiết.
Để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ hiện đại, thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng, các quỹ tín dụng trong và ngoài nước đã có nhiều chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ. Tiến sĩ Romel M.Carlos IFC Mekong, thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết chương trình tài trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch của IFC ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.
Ngoài việc được hỗ trợ xác định thị trường và tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm các doanh nghiệp còn nhận được tiền từ việc tiết kiệm năng lượng, cải thiện được dòng tiền; giảm chi phí nhưng không tác động tiêu cực đến chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển sạch Mekong Brahmaputra (Tập đoàn Dragon Capital), quỹ sẽ cung cấp một khoản vay ưu đãi cho chủ tòa nhà để thực hiện đầu tư tiết kiệm năng lượng, hạn mức 49% tổng chi phí đầu tư thời hạn trong 8 năm, khoản vay không thế chấp. Không những thế, doanh nghiệp còn được chia sẻ phần năng lượng tiết kiệm hàng quý. Từ đó, giúp thu hẹp khoảng cách giữa báo cáo đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Ông Nguyễn Nam Phương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết các chủ đầu tư có các dự án bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc sẽ được nhận hỗ trợ lãi suất vốn vay. Cụ thể, lãi suất cho vay trong năm 2011 là 5,4%/năm (loại tiền VND). Mức hỗ trợ cho vay tối đa không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án và thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Riêng tại TPHCM, quỹ đổi mới công nghệ cũng được thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường… Có thể nói, nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất xanh đã được kích hoạt. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp nào chớp lấy cơ hội để tạo phát triển bền vững cho chính mình.
MINH XUÂN – MINH HẢI