Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) quy định người tiêu dùng (NTD) được cấp hàng sử dụng tạm, đổi hàng mới nếu sửa 3 lần vẫn hỏng… Tuy vậy, thực tế khác xa với quy định!
Từ bảo hành chán chê...
Theo chân những khách hàng “lặn lội thân cò” bảo hành sản phẩm điện tử, điện máy, chúng tôi thấm thía nỗi cực nhọc mà họ gánh chịu. Tại một siêu thị điện máy nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3 - TPHCM), ngày đầu tuần tấp nập khách bảo trì, bảo dưỡng sản phẩm.
Anh Nguyễn Nam (nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh) cho biết đã bảo trì nồi cơm điện tại đây 4 lần nhưng vẫn không sử dụng được. “Các lỗi khá đơn giản nhưng không hiểu tại sao trung tâm không sửa được. Ví dụ như: phích cắm điện không ăn, công tắc tự động nhảy khi cơm chưa sôi… Cả 4 lần bảo hành tôi đều được siêu thị thông báo nếu sản phẩm hỏng nên tiếp tục… bảo hành” – anh Nam bức xúc kể.
Chị Lê Quỳnh Hoa (nhà ở đường Hai Bà Trưng, quận 3) cũng chịu cảnh trầy trật không kém khi đem chiếc Nokia C7 đi bảo hành tại một siêu thị điện tử trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Điện thoại mới mua nửa năm nhưng chị Hoa nhiều lần phải đem bảo hành vì thường xuyên bị rớt mạng, tắt nguồn, treo máy… Bảo hành xong, máy dùng tốt khoảng nửa tháng rồi bệnh cũ lại tái phát.
Đồng cảnh ngộ là ông Sáu Ghe (65 tuổi, ở đường Phan Văn Hớn, quận 12). “Tôi mua chiếc Nokia C3 tại một siêu thị trên đường Trường Chinh vào giữa tháng 7-2011. Đến nay, đã qua 3 lần bảo hành mà điện thoại vẫn treo máy, không nghe được”.
Được biết, trong thời gian chờ bảo hành, cả ba khách hàng trên đều không nhận được bất kỳ sản phẩm sử dụng thay thế nào. Thậm chí, khi anh Nguyễn Nam thắc mắc tại sao không nhận được nồi cơm dùng tạm theo quy định, nhân viên siêu thị lắc đầu bảo: “không có” một cách đơn giản.
...đến “bỏ của chạy lấy người”
Nhiều NTD buộc phải chọn kế sách “bỏ của chạy lấy người” sau nhiều lần bảo hành không hiệu quả. Anh Đỗ Văn (nhà ở Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) đến nay vẫn chưa hết bực bội trước việc bảo hành vô trách nhiệm của một siêu thị tại quận Bình Thạnh nên đã bỏ luôn sản phẩm. “Tôi phải đem chiếc máy xay sinh tố đi bảo hành 4 lần. Nhân viên hướng dẫn sử dụng lung tung, khó hiểu, thường quy kết trách nhiệm cho NTD. Nhà xa, công việc bận rộn, tôi không thể đi bảo hành liên tục được. Tôi có cảm giác mình bị lừa” – anh Văn kết luận.
Tương tự là anh Nguyễn Nam. Khi tiếp nhận sản phẩm, nhân viên siêu thị hỏi anh Nam sử dụng nồi cơm như thế nào rồi khẳng định sản phẩm của siêu thị tốt, ít khi bị hỏng. Anh Nam vặn ngược: “Vậy tại sao tôi dùng theo đúng hướng dẫn mà nồi cơm vẫn hỏng?” thì nhân viên lấp lửng: “Có lẽ anh dùng không cẩn thận” (!?)
Những trường hợp như anh Nam, anh Văn… không phải là hiếm. Việc “hành” NTD tại các siêu thị điện máy, trung tâm bảo hành đang diễn ra nhan nhản. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực đã gần 9 tháng, vậy mà quyền lợi của họ trên thực tế vẫn còn bỏ ngỏ. Siêu thị đùn đẩy trách nhiệm bảo hành, NTD tốn thời gian, công sức, mất niềm tin khi bảo hành sản phẩm nhiều lần. Đến khi nào các siêu thị, trung tâm bảo hành lảng tránh trách nhiệm, gây thiệt hại cho NTD sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý và xử lý như thế nào?
| |
Ngọc Linh