8 năm gia nhập WTO
Sáng 7-8, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thành tựu chưa tương xứng…
Sau 8 năm gia nhập WTO, TPHCM đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Một trong những điểm sáng của chặng đường 8 năm qua là hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay trên địa bàn thành phố có gần 4.800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 32,6 tỷ USD, đứng đầu cả nước về số vốn đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng từ 8,89 tỷ USD (năm 2006) lên mức 32 tỷ USD (năm 2014), tăng gấp 3,6 lần. Phân tích về chất lượng xuất khẩu cho thấy nhóm hàng công nghiệp tiếp tục giữ mức tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao nhất so với các ngành khác. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang, đến nay, cơ cấu kinh tế của TPHCM thật sự là một nền kinh tế phi nông nghiệp, theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, ước đạt 59,9%, cao hơn các giai đoạn trước (năm 2005 là 50,5%; năm 2010 là 57,9%). Cùng với nó, tỷ trọng lao động ở ngành dịch vụ có tốc độ tăng cao nhất, từ 48,8% năm 2005 tăng lên 53,7% năm 2009 và đến 65,7% năm 2014. Các dịch vụ thiết yếu như kinh doanh, tư vấn, nghiên cứu triển khai, tài chính, ngân hàng, phân phối, logistics ngày càng lớn mạnh, cung ứng cho cả các nước trong khu vực.
Dù thành tựu đạt được đáng kể, song theo các đại biểu Quốc hội thì sự phát triển vẫn chưa tương xứng, nhiều bất cập được đặt ra. Theo thống kê của VCCI, trên cả nước chỉ có 30% doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, có nghĩa là 70% còn lại đang bỏ phí cơ hội. Bà Cao Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: “Chỉ có doanh nghiệp lớn và một số doanh nghiệp vừa tiếp nhận thông tin hội nhập, trong khi ở TPHCM có đến 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rõ ràng số lượng lớn chưa tiếp cận được thông tin. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao”. Bà đề nghị, các hiệp hội, hội ngành nghề cần phát huy hơn nữa trong việc hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khi Việt Nam mở cửa.
Cần nhanh chóng xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng sản xuất trong nước (Trong ảnh: Chế biến cá xuất khẩu tại huyện Cần Giờ.Ảnh: CAO THĂNG
Ưu đãi FDI, đừng ngược đãi doanh nghiệp trong nước
Hội nghị nhận định, doanh nghiệp trong nước hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu vốn, thiếu thị trường, nhân lực yếu, nên khả năng kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp. Các điều kiện “luật chơi” như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… chưa được doanh nghiệp trong nước quan tâm đúng mức nên khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ gặp bất lợi, vì hàng hóa không đủ tiêu chuẩn để vào thị trường nước bạn. Trong khi đó, các tỉnh, thành, mỗi nơi tự đưa ra những ưu đãi để thu hút FDI. Các doanh nghiệp FDI được hưởng các ưu đãi về thuế, giá thuê đất và tận dụng cả nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam để làm giàu. Do vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đặt vấn đề: Nếu doanh nghiệp FDI hưởng hết ưu đãi rồi ngưng thì liệu có dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau hay không? Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận lại. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề Xã hội đề nghị, phải nâng cao chất lượng lao động, đừng để chúng ta cứ mãi là thị trường lao động giá rẻ. Nâng chất lượng lao động thì mới nâng được giá trị lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
Trong khi tốc độ mở cửa trong hội nhập chưa tương thích với cải cách thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, nhà nước mở cửa phải đi đôi với củng cố các rào cản thương mại nhằm vừa bảo vệ sản xuất trong nước vừa bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều kiến nghị được đưa ra để bảo vệ nền sản xuất trong nước và tạo cuộc chơi công bằng khi mở cửa. Đó là, Chính phủ phải triển khai quyết liệt xây dựng hàng rào thương mại phi thuế quan để kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu theo phạm vi cho phép của WTO. Qua đó, giao Bộ Công thương phối hợp với các tỉnh biên giới, các thành phố lớn (TPHCM, Hà Nội) triển khai giải pháp hàng rào thương mại để kiểm soát đồng bộ hoạt động nhập khẩu, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường này. Đồng thời, phải rà soát các chính sách thu hút FDI đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
HÀN NI