Nhiều lợi ích nhờ đánh thuế carbon

Thuế carbon có thể giúp các nước châu Á đạt được mục tiêu về giảm lượng khí thải trong thập niên tới theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Nhận định này được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 15-4 tại một sự kiện do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC - Ngân hàng trung ương) đề xuất.
Sơ tán tránh lũ tại Indonesia tháng 4-2021
Sơ tán tránh lũ tại Indonesia tháng 4-2021

Thúc đẩy đầu tư xanh, giảm lượng khí thải

Phát biểu trong khuôn khổ sự kiện, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, ngày càng có nhiều quan điểm khẳng định rằng thuế carbon là biện pháp mang lại hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất trong các biện pháp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân làm Trái đất ấm lên. Đánh thuế carbon tạo ra động lực để các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển sang dùng năng lượng sạch hơn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy đầu tư xanh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. 

Theo bà Georgieva, thuế carbon cũng có thể tạo ra doanh thu đáng kể. Thay vì đánh thuế tất cả khí thải, sẽ hiệu quả hơn khi nhắm vào các loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất. Biện pháp sẽ rất hiệu quả ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mông Cổ, những nước phụ thuộc nhiều vào than đá - nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhiều nhất. Với riêng Trung Quốc, lợi ích lớn là có thể cứu khoảng 3 triệu sinh mạng vào năm 2030. Đổi lại, một số hộ gia đình, công nhân và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng do giá năng lượng cao hơn vì thuế carbon. Vì vậy, các nước cần xác định đối tượng có thể được trợ giá năng lượng; đồng thời sử dụng nguồn thu từ thuế carbon để tăng thu nhập cho công dân, tài trợ dự án đầu tư xanh, hoặc giảm các loại thuế khác.

Tổn thất từ biến đổi khí hậu

Theo IMF, khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các nền kinh tế đông dân nhất và phát triển nhanh nhất thế giới thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất, bằng một nửa lượng khí carbon trên thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia phát thải khí carbon lớn cần nỗ lực nhiều hơn để giảm lượng khí thải nếu tình trạng ấm lên toàn cầu được duy trì theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris là cao hơn 1,5-20C so với thời kỳ tiền công nghiệp.  

Bên cạnh đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến nền nhiệt tăng nhanh và ngày càng xảy ra nhiều thảm họa thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu, nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng nghèo đói và làm trầm trọng thêm tình hình mất an ninh lương thực ở khu vực này. Bà Georgieva nhận định, việc các nước trong khu vực tăng cường chuyển sang nền kinh tế xanh có thể giúp phục hồi nền kinh tế trước các tác động của đại dịch Covid-19.

Theo nhận định, các nước có thu nhập thấp và các quốc đảo Thái Bình Dương dễ bị tổn thương, rất cần đầu tư bảo vệ cơ sở hạ tầng, thích ứng với nông nghiệp đất khô, khôi phục rừng ngập mặn và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, song nhiều nước lại có ít nguồn lực để chuẩn bị. Để thích ứng, các nước phải đẩy mạnh đầu tư công, bình quân khoảng 3% GDP hàng năm. 

Một đánh giá gần đây của IMF và Ngân hàng Thế giới cho biết, các nước có thu nhập thấp và các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ phải chi 67 triệu USD mỗi năm cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tương đương 14% GDP của các quốc gia này. Do đó, các nước rất cần sự hỗ trợ quốc tế nhiều hơn.

Theo TransitionZero, công ty cung cấp dữ liệu khí hậu tại London (Anh), cuối thập niên này, Trung Quốc cần giảm 50% lượng khí thải từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá nếu muốn đạt được mục tiêu trung hòa carbon cho đến năm 2060. Trung Quốc hiện đang vận hành 1.058 nhà máy chạy than, chiếm hơn một nửa công suất của thế giới. Nước này có thể tiết kiệm tới 1.600 tỷ USD trong 20 năm bằng cách chuyển từ điện than sang năng lượng tái tạo.

Tin cùng chuyên mục