Nhiều lợi ích trong quản lý cư trú bằng mã số định danh

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vừa qua, dù có không ít ý kiến băn khoăn, song Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vẫn kiên quyết đề nghị bỏ sổ hộ khẩu khi luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, về nội dung này.

PHÓNG VIÊN: Thưa bà, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, trong đó quy định sẽ bỏ phương thức quản lý theo sổ hộ khẩu. Việc không còn phương thức quản lý này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp gì cho người dân?

 Thượng tá NGUYỄN THỊ QUẾ THU: Việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang đến nhiều lợi ích. Sổ hộ khẩu trong gần 70 năm tồn tại, gắn với khoảng 30 thủ tục hành chính đã rất quen thuộc với người dân (đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký xe, đăng ký học…) nhưng cũng gây rất nhiều khó khăn, phức tạp, phiền hà.

Với việc thay đổi này, công dân sẽ không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân và phải chứng thực khi làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự vì thông tin đã được thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện các hoạt động nêu trên.

Công dân sẽ được giảm thủ tục hành chính, chi phí liên quan đến đăng ký cư trú, như được bỏ hoàn toàn các thủ tục: cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, cấp lại sổ tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú… Bên cạnh đó, công dân được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình; được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trên Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Bộ Công an mong muốn quy định trên sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2021. Vậy lộ trình thực hiện và chuyển đổi ra sao, thưa bà?

Nếu được Quốc hội thông qua, từ ngày 1-7-2021 việc quản lý cư trú sẽ chuyển hoàn toàn sang phương thức mới thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới. Trong khi các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Do vậy, khi dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ không tác động đến những việc trước đây mà công dân đã thực hiện. 

Các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính được thực hiện từ sau ngày 1-7-2021, cơ quan, tổ chức và công dân chỉ cần tra cứu, khai thác, sử dụng thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là có thể giải quyết được công việc của mình mà không cần đến các giấy tờ xác nhận về cư trú khác.

Bộ Công an cũng đang triển khai dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Trong năm 2020, Bộ Công an sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho công dân và sang đầu năm 2021 thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân theo mẫu thẻ mới có gắn chip điện tử. Tất cả 63 địa phương sẽ thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân, thay thế việc cấp giấy chứng minh nhân dân như hiện nay. Công dân có thể sử dụng mã số định danh đã được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho mình để khai thác, sử dụng thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất thuận lợi. Dự án này sẽ hoàn thành trước ngày 1-7-2021.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc bỏ sổ hộ khẩu ngay có thể sẽ làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Thay vào đó, nên có thời gian chuyển tiếp để các cơ quan chức năng và người dân thích ứng với quy định mới...? 

Vấn đề tác động của việc bỏ sổ hộ khẩu trong quá trình xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đã có đánh giá cụ thể. Việc bỏ sổ hộ khẩu và thay thế bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang chi trả. 

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an

Bên cạnh đó, việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu khi có sự kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (không cần tổ chức các đợt kiểm tra, tổng điều tra), giúp giảm nguồn lực, chi phí trong sửa thông tin trùng lặp về công dân; giảm chi phí lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ Công an đang triển khai xây dựng và vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước ngày 1-7-2021 nhằm bảo đảm phù hợp với thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành. Do vậy, việc thực hiện bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn khả thi và đem lại nhiều thuận lợi cho người dân.

Phương thức quản lý cư trú mới được xem là tiến bộ, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia chung. Thượng tá có thể chia sẻ rõ hơn về sự đồng bộ này?

Gần như không còn quốc gia nào thực hiện quản lý dân cư thủ công bằng sổ hộ khẩu như Việt Nam. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành, sẽ kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, với cơ quan, tổ chức có liên quan. Thông tin về nơi thường trú, tạm trú của mỗi công dân đều được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu này. Công dân có thể sử dụng mã số định danh của mình để truy cập, khai thác, sử dụng thông tin này bằng nhiều hình thức khác nhau như qua cổng thông tin điện tử, dịch vụ nhắn tin… thay cho việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Nếu luật được áp dụng từ ngày 1-7-2021, các thủ tục hiện hành như đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông... sẽ được xử lý ra sao?

Toàn bộ thông tin của công dân có trong sổ hộ khẩu sẽ được thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, giao dịch dân sự hoặc các công việc khác của công dân (đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông; đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế; đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông…).

Khi công dân tham gia các hoạt động này, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông qua mã số định danh cá nhân của công dân và không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nào khác.

Tin cùng chuyên mục