Nhiều luật chậm đi vào cuộc sống

Trong công tác lập pháp những năm gần đây, Quốc hội nước ta đã xây dựng được nhiều luật. Khi xem xét thông qua các dự luật, đã có sự tranh luận sôi nổi, thẳng thắn và có trách nhiệm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với chất lượng của các văn bản luật. Ngoài ra, công tác phổ biến pháp luật còn bị xem nhẹ, nên nhiều luật được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống.

Điểm dễ nhận thấy là có sự bất cập của một số luật, thể hiện qua việc thời gian tồn tại của luật không đủ dài, thiếu ổn định, điển hình như Luật Quản lý thuế chỉ trong 10 năm đã phải chỉnh sửa tới 3 lần mà vẫn còn thấy bất cập. Thậm chí như Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2015, nhưng chỉ một năm sau Quốc hội lại phải ra nghị quyết lùi ngày có hiệu lực thi hành để chỉnh sửa cùng với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Việc các luật có vòng đời quá ngắn đã phải sửa đổi làm cho việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn khi luôn phải kèm thêm nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, làm cho những người thực thi pháp luật, cán bộ quản lý nhà nước và cả các luật sư cũng khó thuộc. Còn người dân thì chẳng thể nắm bắt, cập nhật hết các quy định sửa đổi. 

Điều đó cho thấy trình độ làm luật của nước ta còn chưa theo kịp với thế giới, mà nguyên nhân sâu xa vẫn là do thiếu sự chuyên nghiệp. Hầu hết các dự luật đều giao cho các bộ, ngành trực tiếp soạn thảo và trình ra Quốc hội, nên thường là chỉ thiên về bảo đảm quyền lợi của bộ, ngành do mình quản lý. 

Đặc biệt, khâu tổ chức thực thi pháp luật lâu nay vẫn là khâu yếu nhất trong toàn bộ quá trình soạn thảo, ban hành và thực thi pháp luật. Các quy định chế tài các hành vi xả rác nơi công cộng, phóng uế bữa bãi trên đường phố hay hút thuốc lá nơi công cộng đều có luật quy định mức xử lý hết sức cụ thể, nhưng chẳng thấy có ai thực thi việc kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, lập biên bản, xử lý vi phạm. Lâu dần dẫn đến lờn luật, ai muốn làm gì thì làm. Từ đó làm cho ý thức công dân và đạo đức xã hội ngày càng có vấn đề và dẫn đến các hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, giao tiếp làm cho nạn bạo lực gia tăng. 

Do vậy, cùng với việc nâng chất lượng ban hành luật, cần quan tâm việc thực thi các luật đã có hiệu lực thi hành. Cần dành kinh phí thỏa đáng cho công tác truyền thông, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức khác nhau, nhất là từ trong học đường, đồng thời cần tăng cường giám sát trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, để luật pháp thực sự đi vào cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục