Nhiều mối lo, thêm rắc rối

Vấn đề “ân hạn thuế 275 ngày” đối với hàng tạm nhập tái xuất là cuộc đối thoại dai dẳng giữa doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong nhiều năm qua. Đây là ân hạn chậm nộp thuế cho DN, thời gian được tính từ khi nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất đơn hàng đến khi xuất khẩu, nhận thanh toán từ đối tác để làm hồ sơ thanh khoản tính thuế.

Vấn đề “ân hạn thuế 275 ngày” đối với hàng tạm nhập tái xuất là cuộc đối thoại dai dẳng giữa doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong nhiều năm qua. Đây là ân hạn chậm nộp thuế cho DN, thời gian được tính từ khi nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất đơn hàng đến khi xuất khẩu, nhận thanh toán từ đối tác để làm hồ sơ thanh khoản tính thuế.

Việc bỏ hay không bỏ ân hạn này đã được cân nhắc, mang ra mổ xẻ rất nhiều. Qua thực hiện và qua rất nhiều cuộc đối thoại, các cơ quan nhà nước đã từng bước chấp nhận “gỡ” khó khăn, sẵn sàng kéo dài thêm thời gian ân hạn đối với các trường hợp đặc biệt. Thế nhưng, thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước, các chi cục hải quan, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều vụ trốn thuế. Trong đó, cũng có nhiều DN làm ăn thất bại, phá sản dẫn đến việc chậm, không nộp thuế sau thời gian được ân hạn.

Để siết lại vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến với Bộ Tài chính bổ sung điều kiện ân hạn thuế. Theo đó, DN nhập nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu phải có bảo lãnh của ngân hàng. Nếu đề xuất này được thông qua, DN nhập nguyên liệu xuất khẩu lại phát sinh thêm nhiều rắc rối.

Hiện nay, trong các ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dệt may, da giày là những ngành chịu tác động mạnh vì phần lớn nguyên phụ liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu không có ân hạn thuế này, một DN dệt may lớn, nhập khẩu nguyên phụ liệu khoảng 60 triệu USD/tháng để sản xuất thì mức thuế DN phải đóng ngay khi mới nhập hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Sự ra đời của ân hạn thuế là điều kiện để DN dễ thở, tạo động lực hơn trong sản xuất, xuất khẩu. Yếu tố tích cực của ân hạn này rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc trốn thuế của số ít DN lại dẫn đến số đông bị liên lụy, mất quyền lợi.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, Vitas đã có kiến nghị về vấn đề này lên các cơ quan chức năng. Dù không bỏ chính sách ân hạn nhưng việc kèm theo điều kiện bắt buộc “có bảo lãnh của ngân hàng” sẽ gây ra nhiều rắc rối cho DN, hoạt động sản xuất sẽ bị đình trệ, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Thủ tục bảo lãnh ngân hàng cũng giống như thủ tục đi vay, cũng cần phải có tài sản thế chấp, lãi không cao nhưng DN phải đáp ứng điều kiện ràng buộc, cũng phải mất một khoản phí, làm phát sinh chi phí, thêm rắc rối. Không phải DN nào cũng có thể được ngân hàng bảo lãnh, DN nhỏ sẽ khó khăn hơn. Nhà nước đang khuyến khích các DN làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) xuất khẩu để gia tăng giá trị. Nhưng với điều kiện mới, DN phải đắn đo bài toán lợi nhuận, việc quay về làm gia công cho nước ngoài là giải pháp an toàn nhất. Như vậy, DN càng khó khăn hơn, tình trạng nhập siêu sẽ nhiều hơn.

Trong khi đó, khó khăn trong xuất khẩu bắt đầu lộ rõ. Nếu trong quý 1-2012, chỉ số xuất khẩu hàng dệt may vào EU giảm, những thị trường còn lại tương đối thì trong quý 2 này, các DN xuất khẩu dệt may cho biết, tất cả các thị trường xuất khẩu chính đều giảm. Đơn hàng sản xuất giảm 20% - 30% so với cùng kỳ năm 2011. DN đau đầu với bài toán làm sao để tồn tại, đứng ngồi không yên thì nay lại thêm mối lo về chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục