Nhiều nhà đầu tư tố giác bị lừa đảo

Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C01) vừa tiếp nhận đơn kêu cứu của hàng chục nhà đầu tư tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đồng Nai về việc tố giác hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đề nghị làm rõ sự minh bạch trong công tác quản lý vốn, sản xuất và bán phần mềm, hợp tác đầu tư máy impactTV của ông Nguyễn Hải Hà (Giám đốc Công ty TNHH Một thế giới lành mạnh - OHW và Công ty TNHH Lý tưởng Thuận lợi 3 chìa khóa - 3KPI).

Bà Trần Minh Thúy, ngụ tại phường Tân Quy, quận 7, TPHCM là một trong hàng trăm người đã đầu tư vào 2 doanh nghiệp trên, với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Theo bà Thúy, 2 công ty trên được ông Hà giới thiệu đang triển khai dự án của Nhật Bản về chuyển đổi công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ, mua bán lắp đặt phần mềm và máy impactTV trong các cửa hàng tạp hóa để khai thác dữ liệu, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ; đồng thời huy động vốn từ các nhà đầu tư nhằm tạo ra một tệp khách hàng trung thành để sau này sử dụng lại sản phẩm, dịch vụ của dự án. 

Cụ thể, với việc tham gia hợp tác đầu tư máy impactTV của Công ty 3KPI, hợp đồng sẽ được ký 2 năm. Theo đó, nếu nhà đầu tư bỏ ra 12 triệu đồng để góp vốn đầu tư 1 máy, mỗi tháng nhà đầu tư sẽ nhận 800.000 đồng, sau 2 năm sẽ thanh lý hợp đồng và nhà đầu tư nhận lại 30% chi phí đóng góp ban đầu. 

Đối với gói đầu tư vào Công ty OHW, mỗi nhà đầu tư tham gia mua phần mềm “Khỏe Mạnh” sẽ được tặng gói bảo hiểm nhân thọ đóng theo quý, và sẽ được nhận lợi tức hàng quý tùy theo hoạt động của công ty. Sau 4 năm số tiền đầu tư có thể tăng 700 lần và sau 10 năm tăng 21.000 lần. 

Để tạo lòng tin và khẳng định dự án hiệu quả, tương lai mang lại thu nhập khủng, ông Hà còn gửi nhiều thư tri ân tới khách hàng với lời cam kết “Khi công ty cổ phần hóa vào năm 2024 sẽ chuyển nhượng cổ phần cho những người tham gia mua phần mềm”... 

Theo một số nhà đầu tư khác, ông Hà còn cam kết, dự án trên sẽ nhận số tiền của Nhật Bản chuyển về Việt Nam và được chia thành nhiều đợt kể từ tháng 7-2020. Tuy nhiên tới nay, các nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ tiền. Nghi ngờ ông Nguyễn Hải Hà có hành vi gian dối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các nhà đầu tư đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ Công an. 

Theo các đơn kêu cứu, từ tháng 11-2019 đến nay ông Nguyễn Hải Hà đã rút từ tài khoản của 2 công ty trên để chuyển vào tài khoản cá nhân với số tiền gần 92 tỷ đồng của khoảng 1.000 nhà đầu tư trên cả nước. Do thấy không minh bạch về tài chính nên ngày 5-5 vừa qua, ban giám đốc 2 công ty đã yêu cầu ông Hà giải trình về việc chuyển số tiền trên vào tài khoản cá nhân. Tại cuộc họp, ông Hà không giải thích được lý do chuyển tiền và đồng ý sẽ ký vào giấy xác nhận mượn nợ công ty số tiền trên. Theo bà Trần Minh Thúy, hầu như toàn bộ nhân viên của 2 công ty đều nhận lương từ tài khoản cá nhân của ông Hà và luôn bị chậm 2 - 3 tháng lương.

Theo nguồn tin Báo SGGP, C01 đã làm việc với một số nhà đầu tư có đơn kêu cứu. Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để tiến hành điều tra theo thẩm quyền đối với nội dung tố giác nêu trên.

Tin cùng chuyên mục