(SGGP).- Theo Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể đưa GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Qua khảo sát, trước mắt có 37 trong 97 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh mạnh hơn các đối tác. Đặc biệt, nhóm này chiếm tới 75% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương ứng 120 tỷ USD, rơi vào các nhóm hàng như dệt may, giày dép, thủy hải sản, cà phê…
Tuy nhiên, một số nhóm hàng như thiết bị điện tử, đồ gỗ, cao su tuy có giá trị xuất cao nhưng sức cạnh tranh không cao, do chủ đầu tư và công nghệ các xí nghiệp và nhà máy trong các ngành này cũng là các đối tác trong TPP. Ngoài ra, một số ngành hàng như cơ khí, khoáng sản, nhựa, sắt thép cũng kém cạnh tranh hơn so với các thành viên TPP vì nền công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng. Do vậy, để tận dụng cơ hội từ TPP, cần có chính sách phù hợp và chủ động các kế hoạch kinh tế - xã hội trung hạn, có khuôn khổ pháp lý hướng các nguồn lực vốn và xã hội hỗ trợ các ngành có sức cạnh tranh trong TPP. Môi trường kinh doanh cần cải thiện thuận lợi hơn nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia thông qua sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
LẠC PHONG