Tuy nhiên, những nỗ lực này có đủ sức giải quyết bài toán “hai thiếu” (thiếu phòng học, thiếu giáo viên) tồn tại nhiều năm qua của ngành giáo dục?
Dốc sức xây trường
Sáng 6-6, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM với Sở GD-ĐT TP về thực hiện một số chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, để thực hiện mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân của UBND TP, giai đoạn 2016 - 2020 toàn TP sẽ triển khai 722 dự án xây dựng trường học. Tổng quy mô phòng học tăng thêm là 12.785 phòng với tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng. Trong đó, theo phân kỳ kế hoạch từng năm, năm 2017 sẽ triển khai mạnh mẽ nhất các dự án xây dựng với 235 dự án, tổng quy mô phòng học tăng thêm là 2.973 phòng. Từ năm 2018 trở đi, số dự án sẽ giảm dần. Riêng 86 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non thực hiện theo Chương trình 41 hỗ trợ đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TP, đến nay đã có 78 dự án được triển khai với 1.050 phòng học, góp phần giải bài toán thiếu chỗ học mầm non cho người dân TP. Dự kiến trong năm học 2017 - 2018 sẽ có thêm 1.477 phòng học được đưa vào sử dụng ở tất cả bậc học, trong đó 977 phòng xây mới hoàn toàn; 500 phòng được cải tạo, thay thế trên nền trường, lớp cũ. Tăng nhiều nhất vẫn là bậc mầm non với 370 phòng.
Theo ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TP, năm học 2017-2018, một số quận huyện có tỷ lệ phòng học tăng thêm nhiều nhất là huyện Củ Chi (tăng thêm 202 phòng), Bình Chánh (137 phòng), Bình Tân (89 phòng), quận 12 (82 phòng)… “Đây là những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, tỷ lệ dân nhập cư tăng mạnh qua từng năm nên làm sao đáp ứng được trường lớp luôn là bài toán khó đặt ra cho địa phương”, ông Dũng cho biết.
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2017 - 2018, toàn TP sẽ tăng thêm 59.082 học sinh, trong đó khoảng 25.000 học sinh không có hộ khẩu TP. Tính đến tháng 5-2017, toàn TP đã đạt tỷ lệ 259 phòng học/10.000 dân, tức còn thiếu 41 phòng học theo mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2020 của UBND TP. Đặc biệt ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày hiện nay mới đạt 69,6%.
“Trung bình mỗi năm các quận, huyện tăng thêm khoảng 20.000 học sinh tiểu học, tức cần thêm 500 - 600 phòng học mỗi năm. Do đó, để đạt mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, các địa phương cần tiếp tục nỗ lực”, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP bày tỏ.
Thiếu chính sách căn cơ trong tuyển dụng
Cũng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, Sở GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị UBND TP sửa đổi một số nội dung của Quyết định 03 về tuyển dụng giáo viên trên địa bàn TP. Trong đó, chấp thuận chủ trương cho các quận huyện được tự chủ trong vấn đề tuyển dụng, giáo viên, viên chức có thể linh hoạt chuyển công tác giữa các đơn vị trong cùng địa bàn quận, huyện (quy định hiện nay, giáo viên muốn chuyển công tác phải xin chấm dứt hợp đồng lao động ở đơn vị cũ, nộp hồ sơ thi tuyển vào đơn vị mới như một ứng viên tự do tạo ra tâm lý hoang mang cho giáo viên - PV).
Thêm vào đó, theo đề xuất của nhiều quận huyện, nên thay đổi quy định mỗi ứng viên chỉ được đăng ký một nguyện vọng trong hồ sơ tuyển dụng. Thay vào đó, nên linh hoạt tăng thêm 2 - 3 nguyện vọng để ứng viên rớt nguyện vọng 1 có thể được xét tuyển vào các trường ở nguyện vọng 2 - 3, tránh tình trạng nơi thừa, nơi vẫn không tuyển đủ giáo viên.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều năm qua, TPHCM đã có nhiều chính sách thu hút, ưu đãi trong tuyển dụng và chế độ đãi ngộ giáo viên nhưng tỷ lệ giáo viên bỏ việc, chuyển nghề vẫn ở mức cao, năm nào 24 quận huyện cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Dù đã mở rộng điều kiện xét tuyển là ứng viên không cần có hộ khẩu TP, tuyển dụng liên tục 2 - 3 đợt/năm nhưng vẫn có tình trạng giáo viên bị hút về các trường ngoài công lập, trong khi trường công lập nhiều năm liền không tuyển đủ giáo viên.
Trước thực tế đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP kiến nghị Sở GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND TP ban hành các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên ở hai bậc mầm non và tiểu học để thu hút thêm người lao động. Không thể để các trường tự căng kéo với giải pháp giáo viên hợp đồng, bởi về lâu dài, cần những chính sách tuyển dụng căn cơ hơn từ phía TP để giáo viên được tuyển đủ theo nhu cầu.