Nhiều nỗi lo về đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng.

Chính phủ đã trình Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP...; nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng. Dù đồng thuận chủ trương nhưng nhiều ý kiến ĐBQH vẫn còn băn khoăn.

Chiều nay, 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.

Bên hành lang Quốc hội, SGGPO ghi nhận một số ý kiến ĐBQH.

* ĐB HÀ SỸ ĐỒNG (Quảng Trị): Dù ngân sách hạn hẹp nhưng cần phải đầu tư để tạo cú hích

Nhiều nỗi lo về đường bộ cao tốc Bắc - Nam ảnh 1
ĐB Hà Sỹ Đồng 

Đường cao tốc Bắc - Nam là cần thiết để phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Hạ tầng của nước ta đang còn yếu kém. Cho dù ngân sách hạn hẹp nhưng cần phải đầu tư. Nhưng đã đầu tư cần làm cho đàng hoàng hơn, từ 8-10 làn chứ không làm 6-10 làn như dự kiến của Chính phủ. Nên có quy hoạch, tầm nhìn, đầu tư đồng bộ, thống nhất chứ không đầu tư manh mún, chắp vá. Đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội là ưu tiên hàng đầu rất cần thiết. Ngân sách nhà nước khó, nợ công chạm trần của Quốc hội cho phép nhưng không vì thế mà chúng ta dừng lại. Chấp nhận nợ công có thể vượt trần bởi phát triển kinh tế xã hội sẽ thu hồi vốn trong thời gian nhất định nếu chúng ta làm tốt, bài bản, quy mô, đúng định hướng. Hy vọng cao tốc Bắc Nam này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư để có "cú hích" về phát triển kinh tế trong thời gian tới.

* ĐB ĐỖ VĂN SINH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Làm BOT phải đấu thầu

Nhiều nỗi lo về đường bộ cao tốc Bắc - Nam ảnh 2 ĐB Đỗ Văn Sinh

Đây là dự án lớn, ai cũng thấy sự cần thiết phải làm. Chính phủ đã chọn những đoạn cần đầu tư trước dựa trên tính toán lưu lượng xe đông, tránh ùn tắc. Nhưng quan trọng nhất là vốn để làm. Cái khó nhất hiện nay là đấu thầu gọi vốn nước ngoài vào. Bộ GT-VT báo cáo, năm trước bộ định đấu thầu một đoạn cao tốc ở phía Nam, nhưng không thành công bởi họ có rất nhiều yêu cầu. Nhà đầu tư nước ngoài đòi bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ... Những điều kiện này mình không chấp nhận được nên người ta không vào. Chúng ta không loại trừ việc gọi vốn nước ngoài. Nhưng việc huy động chủ đầu tư và nguồn vốn trong nước khả thi hơn. Điều quan trọng là các ngân hàng phải đồng hành cùng Nhà nước.

Thời gian qua, chúng ta triển khai một số đoạn cao tốc đã huy động vốn xã hội khoảng 169.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 10-15%, phần lớn là vốn ngân hàng. Vậy bây giờ ngân hàng có đi vay ngắn hạn để cho vay dài hạn xây cao tốc không, đó cũng là bài toán.

Vừa qua toàn bộ đường triển khai theo hình thức hợp đồng BOT phần lớn chỉ định thầu. Rút kinh nghiệm việc chỉ định thầu để xảy ra những hệ lụy không mong muốn thì trong nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng phải đặt vấn đề khi triển khai dự án theo hình thức này, yêu cầu phải đấu thầu chứ không chỉ định thầu nữa. Từ đó chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực triển khai.

* ĐB ĐẶNG THUẦN PHONG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Lo đầu tư mà không hiệu quả

Nhiều nỗi lo về đường bộ cao tốc Bắc - Nam ảnh 3
ĐB Đặng Thuần Phong 

Tôi tán thành chủ trương làm đường cao tốc Bắc-Nam, nhưng phải tính nguồn lực thực hiện, phải phân kỳ năm nào, bao nhiêu vốn, làm ở đâu. Làm ở đâu thì sẽ giải phóng mặt bằng và thực hiện theo phương án và số vốn cho phép. Chứ chúng ta bây giờ không có tiền để bỏ ra một loạt giải phóng mặt bằng một lần cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam như cách làm với sân bay Long Thành. Nếu thu hồi 1 lần thì không có tiền và lãng phí, vì thu hồi để đó chứ không làm ngay được.

Đây là dự án lớn, Quốc hội sẽ phải tính toán, cân nhắc mọi thứ về công nghệ, nguồn lực, hình thức đầu tư. Khi đã giải tỏa đền bù thì hàng loạt vấn đề sinh kế của người dân phải được tính toán kỹ lưỡng. Sợ nhất là đầu tư mà không mang lại hiệu quả, nhiều ĐBQH rất lo vấn đề này. Với dự án đường cao tốc thì theo tôi biết nhiều ĐBQH ủng hộ, vì đó là cơ hội để thúc đẩy phát triển cho cả quốc gia chứ không riêng cho vùng nào. Đường tốt lên thì vận chuyển hàng hóa,  giao thông đi lại đều tốt lên. Nhưng các vấn đề xã hội cũng phải tính kỹ, nhất là về hình thức đầu tư, nguồn vốn…

Tin cùng chuyên mục