Nhiều nước đã bỏ trần lãi suất

Tiến theo xu hướng tự do hóa lãi suất, nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp đã hoàn toàn loại bỏ công cụ  trần lãi suất (TLS) đối với thị trường tài chính.
Nhiều nước đã bỏ trần lãi suất

Tiến theo xu hướng tự do hóa lãi suất, nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp đã hoàn toàn loại bỏ công cụ  trần lãi suất (TLS) đối với thị trường tài chính.

Xu hướng quốc tế

Liên quan đến TLS cho vay, trên thế giới đang nổi lên hai xu hướng. Một là, không áp TLS cho tất cả các loại hợp đồng vay; Mỹ (ngoại trừ một vài tiểu bang) và Anh là hai ví dụ điển hình. Ở Mỹ, các quy định của Liên bang về TLS cho vay đã được bãi bỏ vào năm 1978, hiện chỉ tồn tại ở một vài tiểu bang của Mỹ. Ở Anh, vấn đề thiết lập quy định về TLS cho vay đã từng gây ra nhiều cuộc tranh luận. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước láng giềng, cuối cùng Anh cũng đã từ bỏ ý định thiết lập TLS cho vay (đồng nghĩa là chấp thuận cho các bên được tự do thỏa thuận về lãi suất).

Hai là, có quy định về TLS cho vay nhưng giới hạn phạm vi điều chỉnh. Mô  hình này đã được Pháp áp dụng từ năm 2003 đến nay. Theo đó, chính sách đối với TLS đã được thay đổi và theo hướng thu hẹp phạm vi điều chỉnh bằng cách bỏ TLS cho vay đối với pháp nhân trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Như vậy, TLS vẫn tồn tại trong pháp luật nước Pháp, tuy nhiên chỉ giới hạn đối với một số ít trường hợp liên quan tới những hoạt động vay cho tiêu dùng. Với sự thay đổi trên, về nguyên tắc, các bên được tự do định đoạt mức lãi suất và nguyên tắc này có ngoại lệ đối với vay tiêu dùng.

Tương tự, Thụy Sỹ cũng có quy định về TLS cho vay tiêu dùng, tuy nhiên các quy định này cũng không có phạm vi điều chỉnh chung cho mọi hợp đồng vay. Như vậy, không phải nước nào cũng có quy định về TLS cho vay. Nếu có thì cũng chỉ quy định đối với một số loại hợp đồng vay cá biệt.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập, việc “bó chặt” ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa hẳn đã là giải pháp tốt. Việc áp trần sẽ đẩy ngân hàng tới chỗ “đóng cửa” với doanh nghiệp. Và khi đó sẽ dẫn tới hệ lụy, doanh nghiệp trong nước buộc phải quay sang vay ngân hàng nước ngoài. Và như vậy, rõ ràng đã gián tiếp hạn chế khả năng cạnh tranh của chính ngân hàng nội.

Một số nghiên cứu của các tổ chức nước ngoài cũng cho thấy, việc quá khắt khe với bên cho vay thông qua TLS sẽ khiến những người cho vay buộc phải từ chối cho vay vì mức lãi suất quá thấp. Vậy vấn đề đặt ra là có cần áp trần lãi suất không khi mà các chủ thể cho vay và đi vay đều không thỏa mãn được nhu cầu về vốn?

Thực tiễn ở Việt Nam

Bộ luật Dân sự 2015 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Vế thứ hai là “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” đương nhiên khẳng định các công ty tài chính sẽ không chịu sự điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự 2015, các tài chính tiêu dùng bao gồm : hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính vi mô, các công tài chính, quỹ tín dụng nhân dân… sẽ vẫn tiếp tục hoạt động theo luật chuyên ngành, bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước. Có nghĩa lãi suất cho vay của các công ty tài chính và công ty cho vay tiêu dùng đối với khách hàng được áp dụng theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên với nhau. Việc thỏa thuận lãi suất này là đúng theo quy định của pháp luật, vì căn cứ pháp lý và theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 12 hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Hơn nữa, do hoạt động trong kinh tế thị trường, các định chế tài chính này cũng phải tuân theo các quy luật thị trường, mà trong đó, quy luật cung - cầu là yếu tố điều tiết mạnh mẽ nhất. Các định chế này theo đó cũng phải chịu tác động của yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, việc định giá vốn (lãi suất chính) không thể do các ngân hàng hay công ty tài chính tự định đoạt mà sẽ do thị trường quyết định ở một mức hợp lý. Nếu đã là kinh tế thị trường thì không nên quy định TLS. Hãy để các thành phần kinh tế tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự nguyện, phù hợp và tuân thủ pháp luật. “Tiến theo nền kinh tế thị trường thì phải theo quy luật của kinh tế thị trường. Tất cả các biện pháp can thiệp hành chính phải phản ánh quy luật cung cầu của thị trường, những biện pháp can thiệp không thích hợp thì phải thay đổi, phải sửa lại sao cho lãi suất do các tổ chức tín dụng đặt ra dựa trên quan hệ cung cầu”- ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Đây cũng chính là lý do và là đích đến của tiến trình thực hiện tự do hóa lãi suất, giảm bớt các can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào thị trường, hướng tới một thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch. Tiến sĩ Bùi Quang Tín-Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng đây là thời điểm Việt Nam nên làm theo thông lệ quốc tế, tức dỡ bỏ trần lãi suất. Bởi hiện nay hầu như không có nước nào trên thế giới áp trần huy động.

Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục