Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, Viện Pháp tại Việt Nam đang phối hợp tổ chức hàng loạt chương trình đồng hành cùng Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu Paris - Climat 2015, gọi tắt là COP21, với thông điệp “Cùng chung tay bảo vệ khí hậu”.
Một trong những hoạt động tiêu biểu tại TPHCM như, “Tuần lễ về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu tại các trường trung học cơ sở” diễn ra tại các trường có lớp song ngữ Pháp - Việt tại TPHCM, kéo dài từ ngày 23 đến 27-11. Hội thảo khoa học “Từ sông ngòi đến đại dương: Tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, diễn ra vào ngày 26-11 tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Lý Thường Kiệt, quận 10). Tại đây, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia sẽ trình bày các nghiên cứu bổ sung về chủ đề nước… Song song đó, tại Hà Nội cũng diễn ra: “Triển lãm 60 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu”, diễn ra từ ngày 17 đến 30-11 tại 24 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Triển lãm giới thiệu 21 tác phẩm nhiếp ảnh của Yann Arthus-Bertrand bằng ánh sáng và hình ảnh; đưa công chúng tiếp cận với những giải pháp tiên tiến, hiệu quả kết hợp việc ứng phó biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế tại 71 văn phòng của AFD trên toàn thế giới…
Tại COP21 sắp tới (diễn ra từ 30-11 đến 11-12-2015), Pháp sẽ là quốc gia chủ nhà của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21. Hội nghị lần này mang tính quyết định vì yêu cầu đạt đến một thỏa thuận quốc tế về khí hậu, nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên dưới 20C; đồng thời bảo vệ hành tinh trước những diễn biến bất thường của khí hậu. Trong tháng 12-2015, các bên tham gia cần đưa ra một số quyết định đầy tham vọng, mang tính ràng buộc để ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện sự nỗ lực của quốc gia đó (mức đóng góp nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính)…
Nguồn tài trợ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cũng sẽ là chủ đề quan trọng tại Hội nghị Paris 2015. Việc hình thành “Quỹ xanh” là thành công bước đầu. Hiện nay Quỹ xanh đạt 9,3 tỷ USD, trong đó Pháp đóng góp gần 1 tỷ USD. Theo dự báo của AFD, tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang xấu đi nhanh chóng, dù rằng nước ta vẫn là quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tương đối thấp nếu xét về mặt dân số (dân số Việt Nam chiếm 1,3% thế giới trong khi lượng phát thải chiếm 0,6% so với toàn cầu) nhưng tốc độ tăng lượng phát thải lại rất lớn.
Dự báo đến năm 2030, lượng phát thải của Việt Nam có thể tăng gấp ba lần mức hiện tại, mà một trong những nguyên nhân chính là lượng phát thải tiêu thụ năng lượng. Đáng chú ý, nếu nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ có gần 5% diện tích lãnh thổ, 11% dân số và 7% diện tích đất nông nghiệp nước ta bị ảnh hưởng; GDP của Việt Nam có thể giảm đi 10% và 90% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập chìm trong nước. Theo ông Emmanuel Ly-Battalan, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM: Với 3.200 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đe dọa quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Do vậy, tất cả mọi người, các tổ chức xã hội… cần sớm chung tay hành động để giảm thiểu thiệt hại.
THI HỒNG