Nhiều thử thách cho EU 2.0

Bài phát biểu về tầm nhìn tương lai châu Âu (còn gọi là EU 2.0), tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris ngày 26-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều nước châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Trong phát biểu về tầm nhìn tương lai châu Âu (còn gọi là EU 2.0), tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris ngày 26-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, EU đang “quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả” và đưa ra hàng loạt đề xuất cải cách về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội với hy vọng hướng tới một châu Âu thống nhất, đoàn kết có khả năng giải quyết hiệu quả những thách thức lớn trên trường quốc tế.

Về quân sự và vấn đề người nhập cư, ông Macron cho rằng, EU cần có lực lượng quân sự và học thuyết chiến lược của riêng mình nhằm nâng cao tiếng nói của khối trong bối cảnh những nguy cơ về an ninh gia tăng và Mỹ giảm ảnh hưởng ở châu Âu; đề xuất thiết lập cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin sinh trắc học về tất cả người nhập cư và một chương trình đào tạo nghề cho người tị nạn châu Âu. Về vấn đề kinh tế, nhà lãnh đạo Pháp nhận định Eurozone cần có ngân sách riêng và một bộ trưởng tài chính để điều hành và quản lý tài chính cho các hoạt động đầu tư chung, đảm bảo ổn định trước những cú sốc kinh tế; giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức cao 20%...

Dựa trên những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua, phương án đề xuất của Tổng thống Macron là hoàn toàn có lý. Trong quá trình phát triển, EU càng ngày càng xa rời ý tưởng “Liên bang” ban đầu để tiến gần hơn đến mô hình “Hợp bang”. Sau 60 năm, dù vẫn được coi là tổ chức khu vực thành công nhất nhưng các nhà làm chính sách của EU buộc phải thừa nhận mới chỉ có được một EU “thống nhất” chứ không phải “đồng nhất”. Nhằm tránh không quay lại mô hình điều hành theo kiểu lấy tiêu chí của nhóm phát triển hơn để áp đặt cho phần còn lại, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Brexit hay con nợ Hy Lạp, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Các quyết định chính trị của EU không được diễn ra sau những cánh cửa đóng kín”.

Tuy nhiên, mô hình EU 2.0 của ông Macron đang vấp phải các phản ứng trái chiều từ Đức, với các đề xuất cải cách sâu rộng EU cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối. ông Hans Michelbach, nghị sĩ thuộc Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đồng minh với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cảnh báo những đề xuất này có thể biến EU thành một liên minh “chuyển đổi không có giới hạn”. Theo ông Michelbach, sáng kiến của ông Macron là không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên và thậm chí ông còn cáo buộc ông Macron đang phá vỡ Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của EU. Sau những sai lầm rút ra từ cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone, ông Macron không nên lấy bài học làm giảm thâm hụt ngân sách của Pháp áp dụng với các quy định tài chính EU.

Một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Tự do FDP, một đối tác có thể liên minh với đảng của Thủ tướng Angela Merkel, ông Alexander Graf Lambsdorff, mặc dù hoan nghênh lời kêu gọi của ông Macron tăng cường hợp tác quân đội trong EU và nắm bắt nhiều cơ hội cho công nghệ số hóa, song ông bác bỏ lời kêu gọi thành lập một ngân sách chung cho Eurozone. Theo ông Lambsdorff, vấn đề là châu Âu không thiếu những quỹ công, mà thiếu một kế hoạch cải cách. Chính Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker cũng không đồng ý việc thành lập một ngân sách riêng cho Eurozone. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thì cho rằng, quy trình ra quyết sách của EU theo đề xuất của ông Macron sẽ không tránh khỏi tình trạng chậm chạp và phức tạp vì phải hài hòa được yếu tố dân chủ và chủ quyền giữa các nước trong khối khi thương lượng bất kỳ một điều gì.

Tin cùng chuyên mục