Nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện chính quyền đô thị

Các quận tại TPHCM đã có 2 tuần đầu tiên thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội, trọng tâm là không tổ chức HĐND quận, phường. Ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, các địa phương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chính quyền đô thị, nhưng nhiều phần việc chưa triển khai được vì đang tập trung phòng chống dịch Covid-19.
Công chức các phường thuộc UBND quận 11 chi trả tiền hỗ trợ của TPHCM cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Công chức các phường thuộc UBND quận 11 chi trả tiền hỗ trợ của TPHCM cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Sắp xếp xong nhân sự

Tại quận 8, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Nội vụ quận 8 (TPHCM) cho biết, không thực hiện HĐND quận, phường trên địa bàn quận 8 có 16 nhân sự dôi dư, cần sắp xếp là Phó Chủ tịch HĐND 16 phường. Ngoài 3 nhân sự lớn tuổi nhân dịp này đã xin nghỉ công tác, 13 người còn lại được sắp xếp, chuyển sang giữ các chức danh trong Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở. “Việc sắp xếp nhân sự dôi dư do không tổ chức HĐND quận, phường ở quận 8 đều thuận lợi. Quận không gặp khó khăn gì”, ông Nguyễn Văn Cường thông tin. 

Một nội dung mới khi thực hiện chính quyền đô thị là thống nhất chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TPHCM. Theo đó, công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, TP Thủ Đức; do quận, TP Thủ Đức quản lý, sử dụng. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường theo mô hình này không còn cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển Chủ tịch UBND quận do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định. Ở cấp Chủ tịch UBND phường, sẽ do Chủ tịch UBND quận quyết định. Trưởng phòng Nội vụ quận 8 cho hay, quận 8 có 142 nhân sự ở phường được xét chuyển từ cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế của UBND quận. Đa số nhân sự ở phường tuyển đầu vào là công chức của phường nên việc chuyển đổi thành công chức thuộc biên chế của quận khi thực hiện chính quyền đô thị không gặp khó khăn, trở ngại nào. Riêng với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, phường, việc chuyển đổi cũng trôi chảy, chủ yếu thẩm định lại các bước về kỹ thuật, giống như bổ nhiệm lại.

Tại quận 11, thực hiện chuyển cán bộ, công chức cấp phường thành công chức thuộc biên chế UBND quận, quận đã ban hành 180 quyết định bổ nhiệm công chức. Tại quận 1, bà Ngô Hải Yến, Trưởng phòng Nội vụ quận 1 cho biết, các nhân sự của HĐND quận, phường trước đây trên địa bàn quận đã được sắp xếp ổn định tại các cơ quan, đơn vị của quận. Mặt khác, quận đã báo cáo Sở Nội vụ TPHCM làm các thủ tục tiếp nhận công chức phường thành công chức thuộc UBND quận. Trên cơ sở đó, quận sẽ ban hành các quyết định bổ nhiệm theo quy định. “Hiện nay, quận giải quyết các vấn đề để vận hành theo đúng Nghị quyết 131. Các việc như bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cho đảm bảo theo số lượng cơ cấu đề án vị trí việc làm; giải quyết cán bộ dôi dư; tổ chức bộ máy… sẽ làm đồng bộ và trong quá trình làm có gì khó khăn sẽ kiến nghị TPHCM’’, bà Yến nói.

Chưa triển khai đối thoại trực tiếp với dân

Theo quy định về tổ chức chính quyền đô thị, từ ngày 1-7, chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư, tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND TPHCM, UBND TPHCM, UBND quận. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11 cho biết, hiện nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TPHCM đang giãn cách xã hội nên quận chưa thể tổ chức đối thoại trực tiếp với dân. 

Còn ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp thông tin, việc lãnh đạo quận đối thoại với người dân đã được quận làm từ nhiều năm trước. Hiện nay, quận đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và cùng với đó, hình thức đối thoại, lấy ý kiến dân trực tuyến là một giải pháp tốt để quận hướng tới.

Tương tự ở quận 6, riêng về việc đối thoại giữa người đứng đầu với người dân trong phường, quận trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng chưa thực hiện được. Thời gian này, để hạn chế tiếp xúc, quận, phường hướng dẫn người dân phản ánh qua tổng đài 1022 của TPHCM, hoặc gọi trực tiếp đường dây nóng của mỗi phường. Trong vòng 12 giờ sau khi nhận được phản ánh, các phường sẽ phải giải quyết xong và báo cáo kết quả về UBND quận.

Để giảm tải công việc và giải quyết nhanh, kịp thời nhu cầu của người dân, thực hiện chính quyền đô thị, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ. Hiện các quận, phường chưa thực hiện vì chờ hướng dẫn cụ thể từ TPHCM.

Chuyển tên Văn phòng HĐND - UBND quận thành Văn phòng UBND quận
Không thực hiện HĐND, các Văn phòng HĐND - UBND quận sẽ có tên gọi mới (thực ra là trở lại tên gọi cũ) là Văn phòng UBND quận. Hiện nay, các quận đang chờ hướng dẫn của TPHCM trong việc đổi tên, đổi con dấu, xây dựng mới quy chế làm việc. Tên gọi “Văn phòng UBND quận” là tên gọi quen thuộc, đã sử dụng từ nhiều năm. Từ năm 2019, theo yêu cầu chung, TPHCM thực hiện tổ chức lại, gộp Văn phòng HĐND quận và Văn phòng UBND quận thành Văn phòng HĐND - UBND quận. Thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường nên Văn phòng HĐND - UBND quận sẽ có tên gọi mới là Văn phòng UBND quận.

Tin cùng chuyên mục