Thủy điện trên các hệ thống sông ngòi miền Trung

Nhiều tiềm năng, lắm hệ lụy

Tác động tiêu cực đến môi trường
Nhiều tiềm năng, lắm hệ lụy

Ngày 7-5, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: Các bài học và khuyến nghị”. Tại đây, các nhà khoa học đưa ra những cảnh báo của hệ thống thủy điện đối với môi trường cũng như “mổ xẻ” sự cố thấm chảy nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 và cách xử lý của EVN vừa qua.

Chưa có cơ sở để khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn.

Chưa có cơ sở để khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn.

Tác động tiêu cực đến môi trường

Miền Trung và Tây Nguyên có 3 lưu vực sông lớn là các lưu vực sông Ba, sông Sêsan - Srêpôk và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam). Đến nay, trên các hệ thống sông này đã “phủ” dày đặc các nhà máy thủy điện. Diễn giả Đoàn Tranh (giảng viên Đại học Duy Tân Đà Nẵng) cho rằng, các công trình thủy điện tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường. Vì quá phụ thuộc vào thời tiết nên nhiều công trình thủy điện không thể phát huy hết công suất vào mùa hè hay buộc phải xả nước thay vì phát điện để phục vụ cấp nước cho thủy lợi, đẩy mặn thâm nhập; gây tổn thất nhà đầu tư; làm hạ du ngập lụt vào mùa mưa, hạn hán và nhiễm mặn vào mùa hè. Cách đây 20 năm, sông Vĩnh Điện không bao giờ nhiễm mặn, nhưng hiện nay việc nhiễm mặn xảy ra thường xuyên về mùa khô; ngày nay, tần suất nhiễm mặn của sông Cầu Đỏ (Đà Nẵng, hạ lưu sông Vu Gia - PV) ngày càng thường xuyên hơn, làm ảnh hưởng đến Nhà máy nước Cầu Đỏ trong việc cung ứng nước sạch cho TP Đà Nẵng...

Cần minh bạch thông tin phát triển thủy điện

Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, do điều kiện địa chất không tốt, không có vùng chứa nước lớn nên việc tích nước vào mùa lũ, điều tiết nước vào mùa khô không tốt. Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa có quy định về quy chuẩn kỹ thuật công nghệ bê tông đầm lăn trong xây dựng các công trình thủy điện, trong khi có rất nhiều công trình được xây dựng theo công nghệ này, trong đó có Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2. Cũng chưa có cơ sở pháp luật nào quy định về sự an toàn các hồ chứa.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thủy điện bền vững thì cần phải minh bạch thông tin, phát triển thủy điện với sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình… Thực hiện chính sách công bố thông tin và nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dự án thủy điện; phát huy vai trò giám sát quy trình vận hành, kiểm tra các công trình trước và sau lũ của chính quyền địa phương.

  • Chưa có cơ sở khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn

Mổ xẻ về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý TPHCM) khẳng định, chưa có cơ sở để kết luận “đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn” như công bố của EVN thời gian qua. TS Phúc cũng ủng hộ dự kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc đưa “câu chuyện đập Sông Tranh 2” ra diễn đàn Quốc hội trong thời gian tới.

  • Giải quyết căn cơ, ổn định đời sống nhân dân

Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam), địa phương có 7 dự án thủy điện: “ Đề nghị các cấp các ngành giải quyết căn cơ vấn đề ổn định đời sống của nhân dân tại các khu tái định cư hiện rất khó khăn. Nếu không tập trung các giải pháp mang tính tổng thể thì việc này sẽ kéo dài nhiều thế hệ. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là các chủ đầu tư dự án thủy điện phải có trách nhiệm cùng với địa phương giải quyết căn bản đời sống cho nhân dân vùng dự án”.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục