TPHCM có 48 điểm tập kết rác, trong đó chỉ có 8/48 điểm đạt yêu cầu. Phần lớn các điểm còn lại đều gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc các điểm tập kết rác tồn tại trong khu dân cư. Nó không chỉ gây bức xúc cho người dân, mà còn ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Nhiều điểm ô nhiễm nặng
Theo ghi nhận của chúng tôi, bô rác Thủ Đức trên đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung bên cạnh Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức đang gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. Trạm rác này tồn tại đã trên 10 năm nay mà không có bất kỳ giải pháp nào để xử lý mùi cũng như nước rỉ rác thải ra. Ngay cả khi trong trạm không nhiều rác mà mùi hôi vẫn rất nồng nặc. Còn theo phản ánh của nhiều người dân sống khu vực lân cận, vào buổi tối, nhân viên vệ sinh thường đốt rác làm mùi khói khét lẹt bay mù mịt vào các khu dân cư, không thể chịu nổi. Tình trạng ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn khi nước thải từ bãi chứa rác, từ những xe thu gom rác tràn ra mặt đường. Chị Nguyễn Thị Thu Nga, một người dân sống ở khu vực này, cho biết tuy nhà cách xa bô rác cả trăm mét và thường xuyên đóng cửa nhưng mùi hôi từ bô rác vẫn xộc vào nhà. Nhiều hôm trời oi bức không thể hít thở nổi. Tổ dân phố cũng như khu phố đã nhiều lần họp, ghi nhận và chuyển phản ánh của người dân đến các cơ quan chức năng nhưng cho đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì.
Tại các điểm tập kết rác trên đường Thanh Đa, phường 27 quận Bình Thạnh; đường Kha Vạn Cân, khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; nút giao giữa đường Lê Hồng Phong với đường Vĩnh Viễn phường 2, quận 10; phường Long Bình quận 9; khu phố 6, phường Hiệp Thành, quận 12… các hộ gia đình đang bị “bức tử” bởi điểm tập kết rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dũng, cư ngụ đường Thanh Đa, phường 27 quận Bình Thạnh bức xúc, bãi tập kết rác này không được xây dựng theo đúng quy định nên nước thải từ rác rò rỉ ra môi trường rất nhiều. Trời mưa thì nước rác trôi nổi mất vệ sinh, trời nắng gắt thì bốc mùi nồng nặc. Đã vậy, trong quá trình thu gom rác, công nhân ép rác ngay tại chỗ khiến cho nước rác phát sinh trong quá trình ép chảy thẳng ra sông Sài Gòn. Còn tại phường Long Bình quận 9, nhiều người vì không thể sống chung với mùi hôi nên phải bán nhà đi chỗ khác sinh sống.
Cần lộ trình để xử lý
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết theo kết quả kiểm tra và khảo sát của sở, hiện có đến 70% các trạm trung chuyển rác có diện tích đất không đáp ứng yêu cầu tối thiểu 500m² để xây dựng trạm trung chuyển đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Sở đã làm việc với các quận huyện để yêu cầu bố trí quỹ đất xây dựng những trạm trung chuyển đáp ứng nhu cầu thực tế, an toàn môi trường nhưng không địa phương nào bố trí quỹ đất. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6 khẳng định, phần lớn những điểm tiếp nhận rác tại quận đều tồn tại từ 10 năm nay. Thời điểm đó tại những khu vực này đất còn trống và dân cư thưa thớt. Đến nay thì dân cư tập trung đông nên lượng rác và mức độ ô nhiễm tác động đến số hộ dân cư cũng nhiều hơn. Thế nhưng, việc bố trí quỹ đất để xây dựng trạm trung chuyển rác mới lại thường vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân. Không phường nào, khu dân cư nào chấp nhận chừa quỹ đất chỉ để xây trạm trung chuyển rác. Tương tự, tại quận 5, cũng vì lý do này mà quận đã phải xử lý linh hoạt bằng cách chọn vị trí gầm cầu để làm địa điểm tạm tiếp nhận và chuyển giao rác. Tuy nhiên, tại những điểm tiếp nhận này cũng thường xuyên nhận được phản ánh không đồng thuận từ phía người dân.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm, trước những phản ánh kiến nghị của người dân về tình trạng các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm, vừa qua sở đã phối hợp cùng các quận huyện khảo sát thực trạng cũng như xác định điểm nóng và mức độ gây ô nhiễm tại các điểm tiếp nhận rác. Sở đã kiến nghị đóng cửa 2 điểm tiếp nhận rác gây ô nhiễm nặng và không có khả năng cải tạo tại quận Thủ Đức. Điều chuyển toàn bộ lượng rác từ 2 điểm này sang những điểm tiếp nhận rác lân cận. Riêng với những điểm tiếp nhận rác có diện tích rộng đủ để có thể cải tạo và xây dựng trạm tiếp nhận rác với công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn môi trường thì sở đang lập phương án sửa chữa, cải tạo ngay. Đồng thời, điều chỉnh thời gian, cung đường nhằm vận chuyển triệt để lượng chất thải rắn phát sinh, không để tồn đọng trong khu dân cư. Tuy nhiên, trong thời gian chờ hoàn chỉnh phương án cải tạo các trạm tiếp nhận rác thải, sở đã ban hành định mức tạm về phun xịt chế phẩm khử mùi áp dụng cho các trạm trung chuyển và bắt buộc đơn vị quản lý trạm tiếp nhận rác thải phải áp dụng ngay, giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân.
MINH XUÂN - MINH HẢI