Nhiều trăn trở gửi đến nhiệm kỳ Quốc hội mới

Ngày 28-3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (2011-2016), các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Nhiều trăn trở gửi đến nhiệm kỳ Quốc hội mới

Ngày 28-3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (2011-2016), các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Luật vẫn còn “vùng xám”

Ghi nhận những thành tựu quan trọng của Quốc hội khóa XIII trong lĩnh vực lập pháp, với khối lượng công việc “lớn nhất từ trước đến nay”, song nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn băn khoăn với thời hạn và chất lượng của công tác xây dựng pháp luật. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận xét: “Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật có hiệu lực thi hành như luật, nhưng việc không hoàn thành luật đúng thời hạn vẫn phổ biến. Có luật bị hoãn nhiều lần, rồi phải chuyển sang nhiệm kỳ sau, như Luật về Hội, Luật Biểu tình. Nếu đã đưa vào nghị quyết thì phải tuân thủ nghiêm túc, không hoàn thành thì phải có chế tài”. Tính tuân thủ Hiến pháp của các văn bản luật và dưới luật cũng là vấn đề khiến ĐB Trương Trọng Nghĩa trăn trở: “Nước ta không có Tòa án Hiến pháp nên Quốc hội phải theo dõi sát sao việc tuân thủ Hiến pháp. Vừa qua, công tác này chưa thật tốt nên vẫn tồn tại những luật có “vùng xám”, tạo kẽ hở cho công chức nhũng nhiễu”.

“Tình trạng “luật khung”, “luật ống” vẫn còn, trong khi ĐBQH chỉ tham gia khâu cuối cùng của quá trình xây dựng pháp luật” - đó là nhận định của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Ví dụ như khi đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ĐBQH kiến nghị nên có chính sách điều chỉnh trong giao đất nông nghiệp, nên thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất ở của người dân nhưng đã không được tiếp thu. ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cũng chỉ ra việc chương trình xây dựng luật thường xuyên điều chỉnh, dự thảo gửi lấy ý kiến ĐBQH chậm... là một trong những tồn tại trong hoạt động lập pháp. Thực tế này đã dẫn đến “thủ kho to hơn thủ trưởng”, nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định khi hướng dẫn cả những điều luật không hề quy định. ĐB Trương Thị Huệ kiến nghị, trong xây dựng luật, cơ quan thẩm tra phải kiểm tra, giám sát kỹ hơn, đảm bảo nghị định, thông tư không trái luật.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường

Chia sẻ quan điểm, theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), những bất cập trong công tác lập pháp đã khiến cho những điều luật thực hiện chỉ một thời gian ngắn đã phải sửa và lần đầu tiên có luật chưa thực hiện đã phải sửa cho phù hợp với thực tiễn, như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều cho rằng, để khắc phục những hạn chế kể trên, cần phải có biện pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trình dự án luật chưa đảm bảo chất lượng, thông qua rồi lại sửa. Trong khi đó, từ nhận định Quốc hội khóa XIII đã đưa ra nhiều điều chỉnh chính sách rất mạnh mẽ và đúng đắn so với dự thảo do cơ quan hành pháp trình sang, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị Quốc hội khóa tới tiếp tục “dũng khí” này và tổ chức tốt hơn công tác phân công thẩm tra các dự án luật; đặc biệt là khuyến khích ĐBQH đi thực tế cơ sở; khắc phục tình trạng “làm luật trong phòng máy lạnh”.

Truy trách nhiệm chưa đến cùng

Dù đồng tình với ý kiến giám sát tối cao thông qua chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, giám sát chuyên đề về các vấn đề bức xúc xã hội đã nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội, nhưng ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, các kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội còn hạn chế, dàn trải, thiếu khoa học. Báo cáo kết quả giám sát không được trình ra Quốc hội và không được xem xét thảo luận, ít được đại biểu nghiên cứu. “Hiệu quả, hiệu lực chưa cao nghĩa là có thể có sự lãng phí và cần được phân tích nghiên cứu điều chỉnh cho nhiệm kỳ tới”, ĐB Trần Minh Diệu nhấn mạnh.

Theo ĐB Trương Thị Huệ, chất vấn là hoạt động mang lại hiệu quả nhất nhưng thực tế việc truy trách nhiệm chưa tốt. Khi chất vấn, ĐBQH đều nói đến trách nhiệm nhưng trả lời ít, như hàng loạt vụ việc phá rừng, biệt thự trái phép, nhà máy thép ngàn tỷ thành sắt vụn...  ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng bày tỏ: Nhiều cử tri nói “Quốc hội làm việc lớn, nhưng việc nhỏ xíu lại không làm được”. Giám sát lớn là chủ trương, đường lối đúng nhưng cũng cần phải đi vào giám sát các vấn đề cụ thể để nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến và tác động dây chuyền. “Bởi nếu không ta chỉ thấy cả rừng cây nhưng bên trong mục ruỗng hết rồi”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền ví von.

Hiến kế giải quyết tình trạng này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị phát huy vai trò giám sát của các đoàn ĐBQH, các ĐBQH. Vừa qua, nhiều ĐBQH đã đóng góp rất hiệu quả vào việc giám sát xử lý các vụ án oan sai điển hình. Bày tỏ chưa yên tâm về việc đảm bảo an toàn tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân và bức xúc trước nhiều hành vi vi phạm pháp luật công khai, trắng trợn, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội khóa XIV tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống...

Quyết liệt hơn trong quyết định những vấn đề lớn

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thẳng thắn đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà ông cho rằng Quốc hội cần có những quyết sách và hành động quyết liệt hơn. “Cử tri nhận xét Quốc hội đã nói rất nhiều nhưng tham nhũng vẫn còn đó và có xu hướng phát triển thêm” - ĐB Nguyễn Anh Sơn bình luận. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu: “Qua tiếp xúc với cử tri, tôi đồng tình với một số ĐBQH về nhận định cho rằng phản ứng của Quốc hội đối với vấn đề biển Đông chưa đúng mức và quyết liệt như tình hình đòi hỏi”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) trăn trở về trách nhiệm của Quốc hội trong việc quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước: “Vấn đề nợ công, bội chi, quyền Quốc hội “quyết cả” nhưng chi vượt cuối cùng vẫn quyết toán. Vậy trách nhiệm Quốc hội trong quyết định ngân sách thế nào?”. Chia sẻ điều này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, quyết định ngân sách là rất hệ trọng. Thế nhưng, vấn đề này chưa được coi trọng đúng mức. “Quốc hội đang làm một cách khá hình thức trong giám sát chi tiêu và điều này cần thay đổi trong nhiệm kỳ tới”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

 ĐB VÕ THỊ DUNG (TPHCM): 7 nỗi lo và 3 mong ước

Trong 7 nỗi lo của người dân hiện nay thì đứng đầu là nỗi lo về ngoại xâm. Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia. Thứ hai là nỗi lo nội xâm - quốc nạn tham nhũng lớn nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, tình trạng lãng phí… Việc gì cũng phải lót tay, phải lại quả, việc gì cũng phải có phong bì… gây nên một nếp sống nguy hại cho xã hội. Thứ ba là lo suy thoái đạo đức xã hội, đạo đức giả lấn đạo đức thật. Thứ tư là lo tụt hậu kinh tế. Thứ năm là lo về nợ công quá cao chưa có giải pháp căn cơ. Thứ sáu là lo văn hóa dân tộc xuống cấp. Thứ bảy là lo thiếu kỷ luật kỷ cương trong quản lý điều hành.

3 mong ước của nhân dân là mong: bộ máy của Đảng, Nhà nước thật sự tận tụy và liêm chính; xã hội có kỷ cương, an bình, văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững; đất nước được thanh bình, thịnh vượng.

ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai): Phản ứng của Quốc hội trong đối ngoại còn chậm

Một trong nhưng vấn đề thiết thực nhất của người dân là hoạt động ngoại giao tác động trực tiếp đến người dân, làm sao cho đi biển yên tâm, không bị ai đàn áp, làm sao cho biển không còn “gợn sóng”, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền đất nước. Trên lĩnh vực này, qua ý kiến của người dân, tôi thấy người dân vẫn chưa hài lòng Quốc hội. Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất tiếng nói của dân, nhiều phản ứng trong đối ngoại chúng tôi cho là còn chậm.

  NGỌC QUANG - ANH THƯ

>> Khắc phục tình trạng “làm luật trong phòng máy lạnh”

Tin cùng chuyên mục