Nhiều trăn trở nghề múa

Khó sống bằng nghề
Nhiều trăn trở nghề múa

Những năm gần đây, hoạt động của lĩnh vực múa trên cả nước diễn ra khá xôm tụ với sự góp mặt của hàng trăm vũ đoàn, cả ngàn diễn viên múa tạo nên một không gian biểu diễn, giao lưu, sinh hoạt, dạy và học múa nhộn nhịp. Tuy nhiên, ngay trong sự sôi động ấy lại chất chứa một thực trạng: nghệ thuật múa dân tộc tồn tại nhàn nhạt, thiếu vắng dấu ấn Việt.

Ca sĩ Đông Quân và tốp múa minh họa.

Ca sĩ Đông Quân và tốp múa minh họa.

Khó sống bằng nghề

Ở nước ngoài, nghệ sĩ múa thường chỉ học chuyên sâu một loại hình múa và dành toàn bộ thời gian, tâm huyết, đầu tư đến nơi đến chốn cho nghề. Tại Việt Nam, để ra trường, cùng một lúc các em học sinh, sinh viên phải tốt nghiệp cả bốn dòng múa khác nhau: múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa ballet, múa hiện đại, múa tính cách (múa dân gian tất cả các nước trên thế giới). Vì phải đảm đương quá nhiều nên các em khó phát huy khả năng chuyên sâu một loại hình múa. Chưa kể, sau khi ra trường, hầu hết sinh viên trường múa đều đầu quân vào các vũ đoàn tại TPHCM để mưu sinh và được làm đúng nghề đã học. Diễn viên múa mất mười mấy năm trời miệt mài khổ luyện nhưng khi ra trường hầu hết không dễ kiếm được tiền đủ nuôi sống bản thân.

NSND Hà Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Múa, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, bày tỏ nỗi lo: “Các em ra trường phải vào các vũ đoàn để hoạt động, rất phí tài năng, kiến thức đã học. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất đau đầu vì vấn đề đào tạo múa quốc tế đang được quan tâm nhiều hơn so với đào tạo múa dân gian dân tộc. Hiện nay còn có xu hướng đưa các em học sinh nhỏ tuổi ra nước ngoài học nghệ thuật dân gian dân tộc. Theo tôi, các cơ sở đào tạo trong nước đã hội đủ điều kiện đào tạo mức độ ban đầu cho các tài năng nhỏ tuổi. Khi được trang bị vốn kiến thức nhất định, lúc đó các em có đi du học sẽ tiếp thu nghệ thuật có định hướng tốt hơn, tránh việc khi trở về nước, các em phải loay hoay chuyển đổi để hấp thụ ngược trở lại văn hóa nghệ thuật nước nhà”.

Thực tế hiện nay đang có xu hướng đổ xô đưa các em nhỏ có năng khiếu múa ra nước ngoài đào tạo. Dù là chi phí của nhà nước hay gia đình các em tự lo vẫn bất hợp lý. Bởi lẽ cần tạo dấu ấn vào tâm hồn tuổi thơ bằng nghệ thuật Việt trước khi các em tiếp thu nghệ thuật nước ngoài. Nếu hổng vốn nền văn hóa Việt Nam, sau này khó thể hiện được hồn cốt nghệ thuật dân tộc.

Thiếu điều kiện phát triển

Việc đầu tư cho văn hóa nghệ thuật hiện thiếu trầm trọng các địa điểm diễn - sân khấu đúng chuẩn (các sân khấu hiện nay chỉ mang tính chất phục vụ tạp kỹ). Chưa có sân khấu dành riêng cho học thuật và cho các loại hình nghệ thuật đặc thù như múa. Bên cạnh đó, sự đầu tư thích đáng cho công việc nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy múa dân gian dân tộc trong nhiều năm qua chưa được quan tâm nhiều. Chế độ đãi ngộ người tài, ưu tiên cho những người làm công tác đặc thù này cũng chưa hợp lý.

Trước thực trạng hoạt động phát triển ngành múa còn nhiều ngổn ngang, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng như Hội Nghệ sĩ múa TPHCM liên tục tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, nhằm tìm ra những biện pháp, phương hướng phù hợp để nâng chất công tác đào tạo và hoạt động biểu diễn, sáng tác múa hiện nay. Riêng Hội Nghệ sĩ múa TPHCM đã và đang cố gắng thực hiện một số chương trình biểu diễn, sân chơi dành riêng cho nghệ thuật múa để quảng bá tác phẩm và giới thiệu các gương mặt diễn viên trẻ. Trong năm 2013, hội sẽ tổ chức Liên hoan Múa lần 4, với mong muốn đây là một cuộc thi múa nghệ thuật, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật múa Việt Nam, đầu tư cho hoạt động giao lưu biểu diễn của các vũ đoàn.

  • NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam:

"Tôi trăn trở việc hiện có rất nhiều em, kiến thức múa Việt Nam còn đang thiếu thì đã đi nước ngoài du học. Khi về nước, các em diễn những tác phẩm Việt Nam nhưng cái hồn, phong cách, phong thái chi tiết của từng dân tộc lại không thể hiện được. Các em chưa thổi được hồn của mình vào trong các động tác dân tộc để thể hiện cho đúng. Cũng đừng nhận định việc đưa các em đi đào tạo ở nước ngoài thì sẽ giỏi hơn được đào tạo ngay trong nước. Nghệ thuật múa Việt Nam đã có cả một hệ thống khoa học, đã sưu tầm, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân gian múa tất cả các dân tộc, các vùng miền, để đưa vào đề án, làm thành giáo trình. Thế nên, đi học múa ở nước ngoài chỉ nên xem là một cách học thêm tính cách múa của một số nước, để mở rộng kiến thức, hiểu biết thêm về những kỹ thuật, kỹ xảo… chứ không phải đi học những điều đó để trở thành nghệ sĩ múa Việt Nam"

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục