Theo đó, thời gian tới, TPHCM sẽ rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp; thực hiện tốt chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp và CNHT hoặc lồng ghép với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của các quận, huyện.
Bên cạnh đó, TP sẽ không thu hút doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mà các doanh nghiệp trên địa bàn TP đang sản xuất để giảm cạnh tranh, đặc biệt là ngành lương thực thực phẩm, dệt may, da giày…
Trước đó, UBND TPHCM cũng đã kiến nghị một số bộ ngành liên quan có thêm các giải pháp phát triển ngành CNHT trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với trung ương, UBND TP kiến nghị bố trí kinh phí và thực hiện các chương trình, đề án CNHT trong đó có hỗ trợ các địa phương thực hiện; quy hoạch và tổ chức kết nối liên kết vùng trong cung ứng sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), các chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu cũng như vận hành có hiệu quả Cổng cơ sở dữ liệu CNHT quốc gia để các địa phương, doanh nghiệp có thể tham gia truy cập và kết nối; thu hút doanh nghiệp FDI lớn, sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đặt nhà máy sản xuất cấp khu vực tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT trong nước tham gia cung ứng sản phẩm CNHT. Bên cạnh đó, các bộ ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế.