Nhiều vấn đề chính sách xã hội đang đặt ra

Sáng 20-9, tại TPHCM, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ LĐTB-XH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 khu vực phía Nam.

Nhiều vấn đề chính sách xã hội đang đặt ra

Chủ trì hội thảo là PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia cao cấp; bà Ingrid Christensen, Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các tỉnh thành phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào.

Nhiều vấn đề chính sách xã hội đang đặt ra ảnh 1 Hội thảo diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của các tỉnh thành khu vực phía Nam

Đến năm 2030, chính sách xã hội bao phủ toàn dân

Trình bày tổng quan về báo cáo, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, cho biết, đến năm 2021, Việt Nam đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên. 98,6% gia đình người có công có mức sông bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Về việc làm và đảm bảo thu nhập, hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người. Năm 2021, thu nhập bình quân của lao động là 4,2 triệu đồng/tháng. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm nghèo nhất với nhóm giàu nhất đã được cải thiện.

Cơ cấu thu nhập tiến bộ, cụ thể là thu nhập từ tiền lương, tiền công tăng từ 44,8% năm 2010 lên 57% năm 2021. Khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, gửi về khoảng 3,5 tỷ USD/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,23% năm 2021. Phạm vi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng và ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH tăng từ 21,6% năm 2012 lên 36% năm 2021. BHXH tự nguyện tăng vượt bậc, năm 2021 đạt 1,5 triệu người. Bảo hiểm y tế bao phủ 91%, tương đương 88,8 triệu người. Năm 2021, có 13,5 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 30%.

Trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đối tượng và dạt hiệu quả. Hiện cả nước có 411 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 180 cơ sở công lập và 231 cơ sở ngoài công lập. Tất cả đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41.000 người, trong đó chủ yếu là người khuyết tật, tâm thần, tiếp đến là trẻ mồ côi và bị bỏ rơi.

Trong việc bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin; Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Bùi Tôn Hiến, qua 2 năm Covid-19 nhận thấy phản ứng chính sách của Chính phủ là tích cực, nhưng cũng từ đó bộc lộ khoảng trống an sinh. Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện.

Đến năm 2045 xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hòa và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), được hưởng phúc lợi xã hội cao.

Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành trung ương, một số tỉnh, thành ủy và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã trình bày tham luận, thảo luận về các nội dung định hướng cho chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Nhiều vấn đề chính sách xã hội đang đặt ra ảnh 2 Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu bế mạc hội thảo

Hướng đến bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá, những vấn đề mới cần nhận diện trong chính sách lao động việc làm, đó là làm thế nào để Việt Nam tận dụng thời kỳ dân số vàng mà theo tính toán sẽ kết thúc vào năm 2036.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chỉ hơn 26% lao động đã qua đào tạo, hơn 2/3 lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức. Hơn 5,3 triệu hộ gia đình tự sản tự tiêu cũng chưa được đặt trong số 52 triệu lao động của nước ta. Tiền lương hiện cũng còn rất thấp, chưa tương xứng, là điểm nghẽn lớn.

Trong chính sách giảm nghèo bền vững, theo ông Bùi Sỹ Lợi, những vấn đề đặt ra là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo đời sống còn khó khăn, là “lõi nghèo” của cả nước, cần giải quyết vấn đề này như bài toán công bằng xã hội.

Trong chính sách bảo hiểm xã hội, độ bao phủ vẫn còn thấp trong khi có rất nhiều tiềm năng. Cả nước mới chỉ có hơn 16,6 triệu lao động tham gia Bảo hiểm xã hội trong tổng số 52 triệu lao động. Theo ông, cần hướng đến bảo hiểm xã hội bắt buộc như cách chúng ta từng làm với chính sách bảo hiểm y tế.

Về trợ giúp xã hội, theo chuyên gia cao cấp Bùi Sỹ Lợi, trợ cấp xã hội thường xuyên mới bao phủ được 3% dân số, cộng với số người đang hưởng lương hưu cũng mới chỉ đạt hơn 30%. Dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy khả năng thích ứng kịp thời của chính sách trợ giúp xã hội là rất hạn chế, các gói hỗ trợ rất nhân văn nhưng việc tiếp cận còn khó khăn, chậm. Hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở, đặc biệt là nhà ở, vẫn chưa bảo phủ toàn diện và đáp ứng tốt nhu cầu người dân.

Ông Bùi Sỹ Lợi nêu 3 vấn đề cần đột phá: Nhà nước phải thống nhất thực hiện chính sách xã hội theo hướng chia sẻ nhà nước - xã hội - người dân, theo nguyên tắc an sinh, an dân và an cư. Bên cạnh đó, phải đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ thể chế. Pháp luật cứng nhắc và thiếu linh hoạt. Ông nêu ví dụ, bảo hiểm thất nghiệp, là tiền của doanh nghiệp và người lao động, khi khó khăn phải được chi kịp thời.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh khẳng định quan điểm lấy con người làm trung tâm, chính sách xã hội phải có tính kế thừa, phát triển, không thể đứt đoạn. Đồng thời với đó là tính minh bạch, khoa học.

Theo ông, Covid-19 vừa qua là phép thử cho hệ thống ASXH. “Chúng ta kế thừa nhưng cũng phải có cách làm mới”, ông Phạm Văn Linh nhấn mạnh.

ILO đánh giá kể từ năm 2012, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hệ thống ASXH, bao gồm các sửa đổi của Luật Việc làm (2013), Luật BHXH (năm 2014), Luật Bảo hiểm Y tế năm 2014, đưa hệ thống ASXH đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15.

Theo ILO, cải cách ASXH ở Việt Nam cần được xác định dựa trên 4 trục chính, gồm tăng cường phối hợp giữa các chính sách/trụ cột ASXH. Làm cho bảo hiểm xã hội bắt buộc trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động. Tăng cường đầu tư cho ASXH. Tăng cường mối liên kết và phối hợp giữa chính sách ASXH và các chính sách kinh tế/việc làm.

Đề xuất định hướng cho chính sách xã hội trong giai đoạn mới, cần đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống ASXH theo ướng trở thành hệ thống ASXH đa tầng thực sự, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và đảm bảo rằng, khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cũng không để lại ai phía sau.

Tin cùng chuyên mục